Bệnh xuất huyết dạ dày là chứng trạng xuất huyết ở niêm mạc dạ dày dẫn đến ói ra máu, tiêu ra máu. Có những trường hợp nhẹ nhưng cũng có những trường hợp máu ra nhiều quá không cầm kịp, có thể dẫn đến tử vong!
Nguyên nhân gây xuất huyết dạ dày
– Do dùng thuốc giảm đau, chống viêm: Trong số này hay gặp nhất là aspirin và các thuốc chống viêm không steroid. Khi dùng aspirin với liều 1g/24 giờ, có tới 50% bệnh nhân bị tổn thương dạ dày.
– Do rượu: Có 20% người nghiện rượu xuất huyết tiêu hóa là do xuất huyết dạ dày. Mức độ tổn thương dạ dày có thể phụ thuộc vào nồng độ và số lượng rượu, và nguyên nhân chảy máu có thể là do tăng thẩm thấu ở niêm mạc dạ dày.
– Do stress: trạng thái stress trong một số bệnh lý có thể gây xuất huyết dạ dày như suy hô hấp, chấn thương nặng, bỏng, nhiễm khuẩn huyết, bệnh đông máu, trụy tim mạch, suy gan, suy thận… Tổn thương ăn mòn niêm mạc và xuất huyết thường xảy ra trong vòng 18 giờ sau khi bị stress.
– Do tăng áp lực tĩnh mạch cửa: Bệnh xơ gan và một số bệnh lý khác có thể gây tăng áp lực tĩnh mạch cửa, dẫn đến xuất huyết niêm mạc và dưới niêm mạc dạ dày.
– Do axit hoặc kiềm: Do bệnh nhân vô tình hoặc chủ ý uống phải dung dịch axit (như axit HCL, H2SO4), hoặc dung dịch kiềm đặc (xà phòng giặt). Ngoài gây tổn thương dạ dày, axit hoặc kiềm đặc có thể gây tổn thương thực quản như loét, chít hẹp, thậm chí gây thủng thực quản.
Triệu chứng của bệnh
Khi bị xuất huyết dạ dày, triệu chứng đầu tiên là đau dữ dội vùng thượng vị, sau lan khắp bụng, bụng cứng, toát mồ hôi, bệnh nhân bị tái xanh, nôn ra máu, đi ngoài phân đen…
Nôn máu là triệu chứng điển hình. Trước khi nôn, người bệnh thấy nôn nao. Khó chịu, lợm giọng, buồn nôn và nôn. Có khi nôn ra rất nhiều và nhanh chóng không dấu hiệu báo trước. Máu có thể còn tươi nếu máu chảy ra được nôn ngay. Máu đen lẫn máu cục và thức ăn vì máu chảy ra còn đọng ở dạ dày một thời gian mới nôn ra. Chất nôn có màu nâu, hồng: khi máu chảy ít đọng lại lâu trong dạ dày, bị hoà loãng và thay đổi bởi dịch dạ dày và thức ăn.
Đôi khi bệnh nhân không có nôn mà chỉ có đại tiện phân đen. Phân đen như bã cà phê, mùi khẳm do máu đã được tiêu hóa một phần. Trường hợp chảy máu nhiều, phân thường loãng, có nước màu đỏ xen lẫn với phân lổn nhổn đen mùi khắm. Nếu chảy máu ít hơn, phân vẫn thành khuôn, màu đen giống nhựa đường, mùi khắm.
Biến chứng của bệnh
Tuỳ theo số lượng máu và thời gian chảy máu mà ảnh hưởng đến toàn trạng người bệnh có khác nhau.
Nếu nhẹ, máu chảy ra ít, khoảng vài chục đến vài trăm mililit khối. Người bệnh chỉ thấy hơi mệt mỏi, không có thay đổi rõ rệt về toàn trạng, mạch, huyết áp.
Nếu lượng máu ra nhiều trong một thời gian ngắn sẽ xuất hiện tình trạng mất máu cấp tính: Chóng mặt, hoa mắt, vã mồ hôi, lạnh chân tay, da niêm mạc nhạt, mạch nhanh nhỏ, khó bắt, huyết áp hạ, thở nhanh, có khi sốt nhẹ, tiểu ít, có khi vô niệu, có khi nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Chảy máu ít nhưng kéo dài: tuy không gây nên tình trạng mất máu cấp tính nhưng dẫn đến tình trạng thiếu máu: da niêm mạc nhợt nhạt, nhọc mệt, suy tim do thiếu máu…
Uống rượu là một trong những nguyên nhân gây xuất huyết dạ dày
Điều trị xuất huyết dạ dày
– Ngừng ngay tác nhân gây viêm dạ dày: rượu, thuốc chống viêm không steroid…
– Bồi phụ khối lượng máu nếu bị giảm bằng cách truyền dịch, truyền máu, dinh dưỡng.
– Dùng thuốc cầm máu: với bệnh nhân có dùng aspirin trên 5 ngày cần theo dõi tiểu cầu.
– Thuốc băng se bảo vệ niêm mạc sucralfat 1g/4lần/ngày, có thể uống hoặc truyền tĩnh mạch dưới dạng dịch treo.
– Thuốc kháng axit, thường dùng thuốc kháng H2, histamin như cimitidin, ranitidin, famotidin… uống hoặc truyền tĩnh mạch.
– Điều trị triệu chứng kèm theo điều trị nguyên nhân (trung hòa axit, kiềm khi ngộ độc, thuốc hạ áp lực tĩnh mạch cửa…).
Dinh dưỡng, Chế độ ăn
Dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong điều trị, phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân. Chế độ ăn nhằm mục đích: Bảo vệ niêm mạc dạ dày, giảm tiết acid dịch vị, nương nhẹ chức năng dạ dày ruột, đề phòng thiếu dinh dưỡng.
Sử dụng các loại thực phẩm có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày và chống tăng tiết acid dịch vị.
– Thức ăn giảm tiết acid dịch vị: mật ong, đường, bánh quy, dầu thực vật…
– Thức ăn trung hòa acid dịch vị: sữa, trứng.
– Thức ăn bọc hút niêm mạc dạ dày, ít mùi vị: gạo nếp, bột sắn, khoai, bánh mỳ.
– Ít xơ sợi: rau củ non.
– Đồ uống: nước chín, nước chè loãng.
– Chế biến thức ăn nên hấp luộc, nấu chín hầm nhừ, nghiền nát hoặc xay nhuyễn để giảm kích thích tiết dịch vị và được vận chuyển nhanh qua dạ dày.
Hạn chế hoặc không sử dụng thức ăn, nước uống gây kích thích niêm mạc dạ dày.
– Các loại nước sốt, nước luộc thịt, dăm bông, lạp xường, xúc xích.
– Thức ăn cứng dai, nhiều xơ sợi: Thịt có gân, sụn, rau sống, rau quả nhiều chất xơ.
– Thức ăn chua, dưa cà, hành muối, hoa quả chua.
– Gia vị, dấm ớt, tỏi, hạt tiêu.
– Rượu, chè, cà phê đặc.
Cách ăn uống để tránh kích thích niêm mạc dạ dày.
– Chia thức ăn làm nhiều bữa trong ngày để nương nhẹ chức năng tiêu hóa của dạ dày.
– Ăn điều độ, không để quá đói hoặc ăn quá no.
– Không ăn thức ăn quay, rán.
– Thức ăn không quá nóng hoặc quá lạnh vì làm cho dạ dày co bóp mạnh.
Một số thuốc giảm đau nguy cơ cao gây xuất huyết dạ dày
Ibuprofen: Có trong thành phần của nhiều loại thuốc giảm đau như alaxan, antidol và thường được kết hợp với paracetamol (thuộc nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt) có thể giảm cơn đau nhanh chóng do ức chế sự tổng hợp hay phóng thích prostaglandin. Tuy nhiên, cần chú ý đến tác dụng không mong muốn của thuốc gây ra.
Hay gặp nhất là tác dụng phụ về đường tiêu hóa. Có tới 5 – 15% người bệnh dùng ibuprofen gặp hiện tượng: chướng bụng , đau bụng, buồn nôn, nôn, nặng hơn là loét dạ dày tiến triển, xuất huyết dạ dày, ruột…
Để tránh những rối loạn về tiêu hóa, nên uống thuốc vào lúc no và uống với một cốc nước (khoảng 200-250ml). Cần đặc biệt chú ý đây là loại thuốc thường dùng để điều trị đau cấp tính, chỉ nên dùng trong thời gian ngắn mà không nên kéo dài.
Không nên tự ý dùng thuốc này nếu không có chỉ định. Nếu bị khó chịu ở dạ dày, nên uống thuốc cùng với thức ăn hoặc ngay sau ăn.
Aspirin: Đây là thuốc hay dùng nhất trong nhóm dẫn xuất của acid salicylic. Ngoài tác dụng hạ sốt và giảm đau, chống viêm còn có tác dụng chống kết tập tiểu cầu, vì vậy thuốc làm giảm quá trình đông máu. Aspirin có tác dụng giảm đau tốt nên được nhiều người tín nhiệm để uống khi bị sốt cao, nhức đầu, đau răng, đau mình mẩy, thấp khớp cấp và mạn.
Tuy nhiên, đây cũng là thuốc nguy cơ rất cao gây viêm loét dạ dày tá tràng, chảy máu đường tiêu hóa. Lạm dụng thuốc có thể gây xuất huyết dạ dày, thậm chí thủng dạ dày rất nguy hiểm. Thuốc hiện nay hay dùng là dạng aspirin pH8 (viên bao tan ở ruột) để giảm tác dụng kích ứng ở dạ dày.
Aspirin là thuốc có nguy cơ cao gây viêm loét dạ dày và xuất huyết tiêu hóa
Cần chú ý các dạng thuốc phối hợp như viên APC, Asca, aspirin sủi bọt, thuốc tiêm aspegic vẫn có phản ứng có hại gây viêm loét đường tiêu hóa nên cần phải tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc điều trị để tránh các phản ứng có hại của thuốc (ADR) nguy hiểm. Xuất huyết và thủng dạ dày do thuốc.
Indomethacin: Hay dùng để điều trị đau lưng, viêm dây thần kinh, viêm xương khớp, hư khớp, thấp khớp mạn tính do có tác dụng chống viêm, giảm đau tốt. Người cao tuổi bị bệnh mạn tính về khớp hay được kê đơn nên cũng dễ bị các phản ứng có hại do dùng thuốc kéo dài không đúng cách.
ADR nguy hiểm nhất của thuốc này là gây viêm loét dạ dày – tá tràng, ruột, rối loạn đông máu.
Diclofenac (voltaren, diclofen): Là thuốc giảm đau, chống viêm dung nạp tốt nên hay dùng trong các chứng thấp khớp, thoái hóa và viêm hư khớp, thoái hóa cột sống, viêm nhiều khớp, đau lưng, đau thần kinh hông.
Đây cũng là một trong những thuốc gây loét dạ dày – ruột – tá tràng khá nguy hiểm do nhiều người lạm dụng trong điều trị đau.
Các dẫn xuất của nhóm oxicam: Thường dùng là meloxicam (mobic, M-cam, camrox); pirocicam (fendene); tenocicam (ticoltil) hiện nay cũng thường được dùng trong điều trị viêm xương khớp, thoái hóa khớp, viêm cột sống cứng khớp.
Tuy phản ứng có hại gây loét và xuất huyết đường tiêu hoá ít gặp hơn nhưng vẫn là nhóm thuốc có nguy cơ cao gây chảy máu đường tiêu hóa nếu bị lạm dụng, dùng liều cao kéo dài.
Nên hỏi ý kiến bác sĩ và tuân thủ nguyên tắc khi dùng thuốc
Dược sĩ Hưng
DALOVI – SỰ HỒI SINH CỦA DẠ DÀY
Xem chi tiết tại đây.
Bài viết liên quan
- Điều trị thoái hóa khớp với liệu pháp hay
- U xơ cổ tử cung và một số thông tin…
- Những điều cần biết về chứng nóng gan
- Phòng ngừa táo bón cho trẻ trong độ tuổi đi…
- Điều cần biết về bệnh Viêm loét dạ dày
- Nguyên nhân nào khiến trẻ bị thiếu cân?
- MỘT SỐ LOẠI THỰC PHẨM HỖ TRỢ CẢI THIỆN THỊ…
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Nguyên nhân khiến phụ nữ bị rụng tóc và ngứa…
- Cứng khớp do thiếu canxi