Bệnh porphyrin da mắc phải muộn (acquired porphyria cutanea tarda-APCT) là một căn bệnh cực kỳ hiếm gặp. Theo ước tính thì tỷ lệc mắc bệnh vào khoảng 1/25000. Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi, mọi quốc gia và mọi giới tính. Tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh, nhưng lại ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm sinh lý, lao động và làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Bệnh porphyrin da mắc phải muộn được xếp vào nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa do rối loạn chức năng các loại men đặc hiệu trong chu trình tổng hợp HEME và porphyrin. Biểu hiện lâm sàng đặc trưng của bệnh là các tổn thương bọng nước, sẹo, nhạy cảm ánh sáng, tập trung chủ yếu ở vùng da hở, vùng tiếp xúc nhiều với ánh sáng. Bệnh thường gặp ở bệnh nhân có các bệnh về gan.
Biểu hiện của bệnh
Bệnh có những biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào cơ địa của từng người.
Triệu chứng của bệnh gồm các biểu hiện chủ yếu là các tổn thương ở da điển hình với một số hình ảnh: Da xù xì, nhăn nheo, lồi lõm, mất độ trơn bóng. Xuất hiện các mụn nước, bọng nước kích thước vài milimet tới vài centimet, sau đó có thể trợt, loét, có chỗ đóng vảy da, vảy tiết. Vết trợt loét thường gặp sau các vết thương, trầy xước. Các vết loét khi lành có thể để lại nền da thô ráp với nhiều mụn, sẩn nhỏ li ti, màu trắng trông giống hạt kê (milia). Tổn thương thường để lại sẹo, teo da, vảy da, các đám tăng hoặc giảm sắc tố tạo ra các vùng da loang lổ. Bệnh tồn tại lâu dài có thể gặp hiện tượng rậm lông ở mặt: tai, má; tay, chân. Các sợi lông mọc ngày càng dài, rậm và đen hơn bình thường.
Ngoài ra tùy từng trường hợp còn có một số biểu hiện khác như: xạm da, rụng tóc do sẹo, tổn thương móng, bong móng, tổn thương da xơ cứng từng mảng. Trong giai đoạn xuất hiện bọng nước, tổn thương bọng nước thường đau, rát giống bị bỏng. Vị trí tổn thương da tập trung chủ yếu ở các vùng da hở, vùng tiếp xúc nhiều với ánh nắng như ở mặt, mặt duỗi cẳng, mu bàn tay; mu bàn chân.
Nguyên nhân và cơ chế gây bệnh
– Cơ chế bệnh xuất hiện là do thiếu hoặc giảm chức năng của men uroporphyrinogen decarboxylase (UROD). Đây là một men quan trọng trong quá trình chuyển hóa, tổng hợp HEME (là một thành phần trong cấu trúc nhiều loại tế bào quan trọng của cơ thể như hồng cầu). Khi thiếu men UROD, gây cản trở trong quá trình chuyển hóa bình thường để tổng hợp HEME, gây tăng và ứ trệ porphyrin hoặc các sản phẩm chuyển hóa trong chu trình tổng hợp HEME ở nhiều cơ quan, tổ chức trong cơ thể. Porphyrin và các sản phẩm chuyển hóa trên có khả năng hấp phụ ánh sáng và chuyển thành dạng năng lượng cao, từ đó gây tổn thương tại các mô có chứa các chất này.
– Thiếu men UROD có thể do di truyền hoặc do mắc phải. Đối với thể bệnh di truyền, còn gọi là bệnh porphyrin da muộn gia đình (family porphyria cutanea tarda), gen mã hóa men này nằm ở vị trí 34 nhánh ngắn, cặp nhiễm sắc thể thứ nhất và bệnh di truyền trội. Khi thiếu men UROD xảy ra ở các tế bào gan, do sự tác động của một số yếu tố như rượu, nội tiết tố estrogen, sắt, một số loại virus, một số loại thuốc và hóa chất, sẽ tiến triển thành bệnh porphyrin da mắc phải muộn. Thể bệnh này chiếm tới 75% trong số bệnh nhân mắc bệnh porphyrin da muộn.
– Rượu là yếu tố kích hoạt bệnh porphyrin da mắc phải muộn. Rượu ảnh hưởng tới nhiều men chuyển hóa trong chu trình sinh tổng hợp HEME, từ đó làm tăng uroporphyrinogen trong huyết tương, tăng lượng uroporphyrinogen trong nước tiểu và phân. Uống rượu lâu dài làm tăng hấp thu sắt cũng là yếu tố kích hoạt bệnh porphyrin da mắc phải muộn.
Bệnh porphyrin bẩm sinh
– Estrogen là nội tiết tố sinh dục thường được sử dụng trong thuốc tránh thai. Trước đây, tỷ lệ mắc bệnh porphyrin da mắc phải muộn ở nam cao hơn nữ, nhưng từ khi thuốc tránh thai được sử dụng rộng rãi thì bệnh nhân nữ lại tăng lên đáng kể. Các nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ mắc bệnh porphyrin da mắc phải muộn tăng cao ở những nam giới dùng estrogen trong trị liệu nội tiết tố để điều trị ung thư tinh hoàn hoặc trường hợp bổ sung nội tiết và liệu pháp nội tiết tố thay thế ở phụ nữ tiền mãn kinh.
– Một số hóa chất khác cũng được cho là có vai trò quan trọng trong bệnh bệnh porphyrin da mắc phải muộn. Hexachlorobenzene (HCB) là một hóa chất diệt nấm có thể làm giảm hoạt tính của men UROD. HCB làm tăng porphyrin lưu hành trong máu, trong gan, nước tiểu và phân, gây nên các biểu hiện bệnh porphyrin da mắc phải muộn. Trên thế giới cũng có nhiều báo cáo về các trường hợp bệnh porphyrin da mắc phải muộn do nhiễm HCB cấp hoặc mạn tính. Tetrachlorodibenzo-p-Dioxin là một hóa chất trong thành phần chất khai quang, diệt cỏ có độc tính cao. Hóa chất này độc và có khả năng phá hủy gan, gây ra bệnh porphyrin da mắc phải muộn.
– Nồng độ sắt trong huyết thanh cao hơn bình thường ở người bị bệnh porphyrin da mắc phải muộn. Tỷ lệ người bệnh porphyrin da mắc phải muộn cao ở những trường hợp nghiện rượu mạn tính và có nồng độ sắt huyết thanh cao. Sắt huyết thanh cao có khả năng ức chế hoạt động của men UROD, phá hủy màng các bào quan trong tế bào gan như các ty lạp thể, gây độc cho tế bào gan và ảnh hưởng tới chu trình tổng hợp HEME.
– Một số virus như virus viêm gan C, HIV cũng có vai trò trong bệnh porphyrin da mắc phải muộn. Đặc biệt ở những người có kết hợp với các yếu tố khác như uống nhiều rượu, sắt huyết thanh cao…
Chẩn đoán bệnh
Bệnh cần được chẩn đoán và điều trị tại các cơ sở chuyên khoa da liễu. Chẩn đoán bệnh thường dựa vào các biểu hiện lâm sàng đặc hiệu trên da và xét nghiệm bao gồm: xét nghiệm định lượng uroporphyrinogen, porphyrin trong máu, xét nghiệm tìm uroporphyrinogen, coproporphirinogen, protoporphirinogen trong phân và nước tiểu. Một biện pháp đơn giản để xác định porphyrin trong nước tiểu là sử dụng đèn Wood soi sẽ thấy nước tiểu có màu đỏ. Ngoài ra còn có các xét nghiệm khác hỗ trợ chẩn đoán như sinh thiết da, sinh hóa, huyết học.
Điều trị
Điều quan trọng trong điều trị bệnh là: phải loại trừ các căn nguyên gây bệnh như: rượu, estrogen, sắt, nhiễm virus, một số loại thuốc và hóa chất… Không sử dụng các loại thuốc hoặc hoạt chất có hại cho gan. Các triệu chứng của bệnh có thể điều trị bằng một số phương pháp sau đây:
Giảm lượng máu trong cơ thể (phlebotomy): là phương pháp rút bớt máu trong cơ thể. Trong bệnh porphyrin da mắc phải muộn, đây là lựa chọn trị liệu hàng đầu, dễ thực hiện và hiệu quả. Mỗi tháng có thể lấy 2 lần, mỗi lần 250-400ml máu tĩnh mạch. Trong thời gian 3-6 tháng.
Thuốc chống sốt rét: trong những trường hợp phương pháp điều trị trên không thể áp dụng hoặc có chống chỉ định, thuốc kháng sốt rét là lựa chọn tốt để thay thế. Thường sử dụng chloroquine hoặc hydroxychloroquine liều cao dùng hàng ngày hoặc liều thấp, tuần 2 lần. Một số trường hợp có thể dùng cả hai phương pháp điều trị trên.
Phòng bệnh porphyrin da mắc phải muộn
– Phòng bệnh cần quan tâm đến các yếu tố căn nguyên nêu trên. Không sử dụng rượu, tránh hoặc ngưng dùng thuốc hoặc các hoạt chất có thể gây bệnh. Có chế độ dinh dưỡng cân đối, hợp lý. Điều trị sớm các bệnh lý của gan. Bảo vệ da bằng cách tránh nắng, che nắng thật tốt bằng các phương pháp vật lý và kem chống nắng. Khi đã bị bệnh, hạn chế các chấn thương, trầy xước trên da, đặc biệt các vùng hở, vùng phơi nhiễm ánh sáng.
– Phòng và phát hiện sớm: Thường xuyên kiểm tra định kỳ ba tháng một lần chỉ số porphyrin trong máu, nước tiểu, phân để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Bài viết liên quan
- Điều trị thoái hóa khớp với liệu pháp hay
- U xơ cổ tử cung và một số thông tin…
- Những điều cần biết về chứng nóng gan
- Phòng ngừa táo bón cho trẻ trong độ tuổi đi…
- Điều cần biết về bệnh Viêm loét dạ dày
- Nguyên nhân nào khiến trẻ bị thiếu cân?
- MỘT SỐ LOẠI THỰC PHẨM HỖ TRỢ CẢI THIỆN THỊ…
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Nguyên nhân khiến phụ nữ bị rụng tóc và ngứa…
- Cứng khớp do thiếu canxi