Bảo đảm một chế độ dinh dưỡng hợp lý
Để tạo điều kiện cho trẻ phát triển chiều cao tốt nhất, không những chúng ta cần tác động vào giai đoạn bé đã ra đời mà phải chuẩn bị ngay từ khi người phụ nữ sắp mang thai, thậm chí từ khi bé gái chưa đến tuổi dậy thì.
Khi mang thai, bà mẹ cần ăn uống đủ chất, đa dạng các loại thực phẩm, không kiêng khem để đảm bảo tăng cân đủ 10-12 kg trong 9 tháng. Một bé khỏe mạnh sinh ra có cân nặng khoảng 3 kg, dài hơn 50cm là một khởi đầu tốt để phát triển sau này. 2 năm đầu đời sau đó là giai đoạn bé phát triển chiều cao rất nhanh, cao thêm khoảng 25cm. Đến 12 tháng, trung bình bé trai cao khoảng 76cm, còn bé gái khoảng 75cm. Khi được 2 tuổi, bé sẽ cao khoảng 85cm. Người ta ước tính tầm vóc của người trưởng thành sẽ cao gấp 2 lần chiều cao lúc 2 tuổi. Và giai đoạn cuối cùng để cải thiện tầm vóc là giai đoạn dậy thì: bé gái từ 10-16 tuổi, bé trai từ 12-18 tuổi. Bé sẽ tăng 8-10cm/năm và 50% khối xương được hình thành trong thời điểm này.
Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng đẻ bé phát triển chiều cao tối ưu
Vì vậy, trong giai đoạn trẻ còn có thể tăng chiều cao, chúng ta cần cung cấp cho trẻ một chế độ dinh dưỡng hợp lý:
1. Năng lượng cung cấp phải đủ, phù hợp với lứa tuổi, không quá dư vì dễ dẫn tới béo phì, cũng không quá ít vì dễ đưa đến suy dinh dưỡng.
2. Bữa ăn của trẻ bao giờ cũng phải đầy đủ 4 nhóm: đạm – bột – béo – rau.
– Đạm từ động vật như thịt, cá, tôm, tép, cua, lươn… và từ thực vật như đậu nành, các loại đậu nói chung… Chất đạm là nguồn dinh dưỡng không thể thiếu trong khẩu phần, nên chiếm khoảng 10-14% tổng năng lượng nói chung.
– Gạo là nguồn cung cấp tinh bột chính trong bữa ăn của người Việt Nam. Ngoài ra còn có bắp, bột mì… để thay đổi cho đỡ ngán. Năng lượng từ tinh bột nên chiếm 60-65% tổng năng lượng hàng ngày.
– Chất béo là nhóm thực phẩm không kém phần quan trọng, giúp cơ thể hấp thu tốt hơn các loại vitamin trong dầu như vitamin A, D.
– Ngoài ra, rau xanh, trái cây là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất rất tốt, góp phần giúp bộ xương cứng cáp hơn.
3. Nên cho trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm, không kiêng khem, không ăn uống thiên lệch
Vai trò của Vitamin và khoáng chất
Vitamin và khoáng chất cũng có vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển chiều cao của trẻ, cụ thể là:
Calci
Có nhiều trong sữa, cua, ốc, tôm, tép, các loại cá nhuyễn ăn luôn xương, đậu nành và các loại rau. Trong đó, sữa là quan trọng nhất. Calci trong sữa dễ hấp thu do có vitamin D và Phospho với tỷ lệ hợp lý. Ngoài ra, sữa còn cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất và nguồn đạm có giá trị sinh học cao, chứa đủ các acid amin thiết yếu.
Để calci được hấp thu tốt hơn, da cần tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng để tổng hợp vitamin D. Vì vậy nên dành cho con bạn 20 phút tắm nắng mỗi ngày.
Vitamin A
Vitamin A vừa giúp phòng chống khô mắt, tăng sức đề kháng chống nhiễm trùng, vừa góp phần trong việc tăng chiều cao. Các thức ăn giàu vitamin A là sữa, trứng, cá, gan, thịt…
Vitamin và khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển chiều cao của trẻ
Vitamin D3
Là dạng tự nhiên của vitamin D, có chức năng điều chỉnh chuyển hóa canxi và phosphat, là thành phần chống còi xương mạnh, hỗ trợ hấp thu canxi. Vitamin D không bền, do đó, nên chọn loại siro chất lượng tốt để có hàm lượng đầy đủ.
Vitamin B1
Giữ vai trò hàng đầu trong chức năng của hệ thần kinh trung ương hay ngoại biên.
Vitamin B2
Cần thiết cho nhiều quá trình xử lý tế bào và giúp cơ thể chuyển hóa chất béo và protein, đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi năng lượng.
Vitamin B6
Cần thiết cho việc trao đổi protein, hoạt động của hệ thần kinh và hệ miễn dịch và tế bào máu.
Vitamin PP (Vitamin B3)
Do cơ thể không thể tích trữ loại vitamin này nên dễ dẫn đến tình trạng thiếu vitamin PP, gây chán ăn, suy nhược cơ thể, dễ bị kích động, viêm lưỡi miệng, chân tay, thậm chí tiêu chảy và rối loạn tâm thần.
Vitamin E
Là chất có khả năng chống oxy hóa mạnh, có thể ngăn cản những tác động có hại khi cơ thể bị nhiễm khuẩn.
Dexpanthenol (Vitamin B5)
Tham gia vào quá trình chuyển hóa chất béo, tinh bột, đường và đạm, cần thiết cho sự phát triển và tái sinh của biểu bì, tham gia quá trình giải độc các chất lạ trong cơ thể, giúp nâng cao sức đề kháng.
Sắt
Sắt là nguồn cung cấp sắt tốt nhất cho trẻ nhỏ là thức ăn động vật như gan, huyết, thịt, cá… và các loại đậu đỗ, rau dền…, các loại sữa có bổ sung sắt.
Kẽm
Nhiều nghiên cứu gần đây đã cho thấy kẽm có vai trò quan trọng đối với sự tăng chiều cao. Những thức ăn có thể cho con bạn nhiều kẽm là con hàu, gan heo, thịt bò, sữa, lòng đỏ trứng, sữa đậu nành…
Lysin
Là một chất đang được các nhà sản xuất sữa quan tâm. Đây là một loại acid amin thiết yếu, hay bị thiếu trong chế độ ăn nhiều tinh bột.
Ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, cần khuyến khích trẻ có lối sống năng động, tập thể dục thể thao thường xuyên.
Cùng với yếu tố dinh dưỡng và vận động, ngủ đủ, ngủ sâu cũng làm hormone tăng trưởng tiết ra nhiều, kích thích xương dài hơn.
Tình trạng thiếu vitamin và khoáng chất ở trẻ em do các vấn đề thường gặp sau:
Giai đoạn 1-3 tuổi: đây là giai đoạn bé mới biết đi và tập làm quen với các món ăn của người lớn:
– Bé không kịp thích nghi với cách ăn mới; bé trẻ nên sợ ăn, biếng ăn.
– Dị ứng với một số thực phẩm giàu đạm như sữa, cá, trứng…
Giai đoạn 4-6 tuổi: là thời kỳ bé phát triển nhanh về thể chất lẫn trí não, bắt đầu giao tiếp rộng rãi và không ngừng khám phá thế giới xung quanh:
– Hình thành thói quen ăn uống không tốt, thích ăn vặt và thức ăn nhanh.
– Không thích ăn rau và trái cây.
– Dị ứng với thực phẩm giàu đạm như trứng, sữa, cá…
– Biếng ăn.
Thiếu vitamin và khoáng chất dù ở độ tuổi nào cũng gây ra những tác hại cho bé như:
– Khiến bé thấp nhỏ, còi cọc, chậm phát triển.
– Thiếu máu, suy dinh dưỡng.
– Suy giảm sức đề kháng.
– Kém tập trung, học hành sa sút.
– Một hậu quả trái ngược khác là việc thiếu vitamin có thể khiến bé thừa cân, béo phì, dẫn đến rối loạn chuyển hóa và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng.
Cách đo chiều cao cho trẻ
Cách đo chiều cao cho trẻ:
1. Cách đo chiều cao nằm (đối với trẻ < 24 tháng): Để trẻ nằm ngửa trên một thước đo gỗ, đầu chạm sát một cạnh của thước đo; Một người giữ đầu trẻ thẳng, mắt nhìn lên trần nhà, một người giữ 2 đầu gối trẻ thẳng và đưa mảnh gỗ áp sát 2 gót bàn chân, bàn chân thẳng đứng. Đọc kết quả và ghi số cm với 1 số lẻ.
2. Cách đo chiều cao đứng (đối với trẻ > 24 tháng): Trẻ đi chân không, đứng thẳng, quay lưng vào tường; Đầu, hai vai, mông, bắp chân, gót chân áp sát tường. Mắt nhìn thẳng ra phía trước, 2 tay xuôi theo thân mình. Dùng bảng gỗ áp sát đỉnh đầu, vuông góc với thước đo.
Chiều cao đứng và nằm có thể chênh nhau 1-2 cm.
3. Cách tính chiều cao đơn giản (cho trẻ 2 -12 tuổi): Chiều cao (cm) = tuổi (năm) x 6 + 77
Bài viết liên quan
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ
- Thiếu Oxy não là gì?
- Điều nên biết về U xơ tử cung
- Chăm sóc gan và một số điều cần lưu ý
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng thực phẩm
- Viêm khớp ngón tay cái
- Bệnh về gan gây cản trở khả năng đi lại
- Liệu ăn quá nhiều chất xơ có bị co thắt…
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng men vi sinh