Bên lề chuyện các bảo mẫu bạo hành trẻ, trên các diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng phải dùng mọi cách để cho các cháu ăn đúng bữa, đủ chất… Trong khi đó, các giáo sư khoa nhi đồng và tâm lý nhi đồng ở Đại học Liège (Bỉ) lại có góc nhìn khác.
1. Từ hơn ba thập kỷ nay, y khoa khuyến khích các bà mẹ cho trẻ, từ lúc mới chào đời, bú theo nhu cầu. Tức là không theo giờ nhất định và không theo liều lượng nhất định. Có những trẻ bú nhiều, nhiều lần trong ngày và cả trong đêm. Trái lại, có những trẻ nhu cầu ít hơn. Miễn là các cháu vui sống và lên cân đều đặn.
Lên cân đều đặn, điều này phải thận trong nữa, vì có những trẻ phát triển theo percentile 90 thậm chí 97 – tức là thuộc 10% hay 3% những bé to mập nhất – Còn có những trẻ khác thì thuộc percentile 10 hay 3 – thuộc lớp các bé sau này vóc nhỏ hơn và gầy hơn. Những percentile này lúc chào đời các bác sĩ đã có thể cân đo được rồi, hay chậm nhất là sau một tháng tuổi của các bé. Phần này là do di truyền và do an bài trong thai kỳ.
Tóm lại có bé ăn nhiều vì cơ thể cần nhiều năng lượng để lớn lên. Có bé chỉ ăn ít thôi vì nhu cầu ít hơn.
Đó là chưa nói tới sinh hoạt của các bé. Cháu nào hiếu động thì xài nhiều calori hơn và ăn mạnh hơn.
Muốn cho các cháu ăn giỏi và ăn nhanh thì thức ăn phải hấp dẫn các cháu. Màu mè, ngon miệng và mới lạ.
2. Cho các cháu ăn và bú theo thời dụng biểu của các cháu. Vấn đề thời dụng biểu là do xã hội đặt ra vì xã hội phải tổ chức đồng loạt các sinh hoạt. Nhưng mỗi một trong chúng ta có một đồng hồ sinh học riêng. Cụ thể có cháu ngủ nhiều trong trường hợp này thì cháu này sẽ ăn ít vì khi ngủ không cần nhiều năng lượng. Có cháu đói lúc sáng vì cháu thuộc hạng người thiên về buổi sáng. Cháu khác thì ăn nhiều vào buổi tối… Hai buổi như thế sẽ bù trừ với nhau thành ra khẩu phần trọn ngày sẽ đầy đủ.
Dĩ nhiên, các cháu từ từ sẽ thích ứng với môi trường xã hội nhưng xin cho thời gian để các cháu thích ứng. Có khi chỉ cần sáu tháng. Có khi phải ba năm.
Ngay tới người đã trưởng thành, có người làm việc tốt hơn buổi sáng. Cũng có người chỉ tỉnh táo buổi tối.
3. Các bà mẹ hay các cô bảo mẫu có một đồng minh rất lớn trong việc nuôi ăn các cháu: cái đói. Thông thường, không bé nào tự để cho mình chết đói. Các cháu chưa biết … tuyệt thực. Ăn là một phản xạ cho sinh tồn. Sau đó ăn là một hạnh phúc nữa.
Chúng ta có thể quan sát một cháu bé bú mẹ chẳng hạn, tay bé nắm một ngón tay của mẹ, miệng không rời bầu vú nuôi, trong cái ấm áp gần gũi với thân thể mẹ. Hạnh phúc của bé được hiện rõ trên mặt bé!
4. Dĩ nhiên, muốn cho các cháu ăn giỏi và ăn nhanh thì thức ăn phải hấp dẫn các cháu. Màu mè, ngon miệng và mới lạ. Thí dụ điển hình nhất là các thức cơm hộp mà các bè mẹ Nhật Bản sửa soạn cho các con mang theo để ăn trưa ở trường. Cơm trắng thật đấy nhưng thịt hay rau thì được cắt và xếp hình như mặt chú hề hay hình cây thông, …
Ăn cũng là một sinh hoạt tập thể, ở nhà thì ăn với cha mẹ ông bà, ở trường thì ăn với bè bạn. Nếu cần thì có thể hát trước khi vào bàn. Tức là bữa cơm thành một bữa vui.
5. Nhưng nếu có cháu vẫn từ chối không ăn thì … phản xạ đầu tiên của người nuôi dạy trẻ – dù là cha mẹ hay bảo mẫu – là phải xem cháu có bệnh hay không. Có thể vì cháu sổ mũi, đau họng hay đau bụng, … nên ăn sẽ là một cực hình. Bắt ép các cháu ăn lúc này có thể để lại ấn tượng xấu cho các cháu: các cháu có thể ghép chuyện ăn uống với đau đớn và từ đó từ chối ăn để tự bảo vệ.
Vừa ăn vừa bị đánh, vừa ăn vừa nuốt nước mắt làm cho các cháu từ chối ăn một cách mãn tính là chuyện hầu như dĩ nhiên. Cái vòng lẩn quẩn bắt đầu từ đó và càng ngày bạo lực càng tăng. Các cháu từ chối không ăn, không lớn được, bị đòn thêm – vì không trả lời được chờ đợi của mẹ hay bảo mẫu – các cháu lại càng từ chối ăn…
6. Đôi khi, trẻ từ chối ăn vì đó là cách duy nhất mà cháu có trong tay để “nói” với mẹ hay người chung quanh rằng “hãy chú ý đến con, con có vấn đề”. Tinh ý, mẹ cháu giải quyết được vấn đề cho cháu thì sau đó, mọi việc sẽ ổn thoả.
Bác sĩ kể chuyện chẳng hạn khi mẹ của một bé sinh hạ đứa con thứ nhì, cháu đầu, lúc đó gần ba tuổi, vô cớ, bỏ ăn bỏ chơi … Khi cha mẹ giải thích cho cháu và cho cháu đủ niềm tin là cháu sẽ không bị bỏ rơi, cháu lại vui sống như trước.
7. Nếu trẻ vẫn biếng ăn thì trước khi dùng biện pháp mạnh – đi khám bác sĩ – thì hãy cố gắng cho bé ăn những thức ăn giàu giá trị dinh dưỡng và giàu năng lượng trong một thể tích nhỏ nhất – để dù cháu ăn ít vẫn đủ chất (cá thì chọn cá béo – cá hồi chẳng hạn, trái cây thì chọn trái có nhiều đường và sinh tố chứ không đầy nước, chuối và chanh leo là điển hình, thay nước bằng sữa, …).
8. Nhiều bác sĩ nhi đồng đi xa hơn: khi con không ăn, phải chữa trị bà mẹ hay người nuôi cháu. Ở đây ta sẽ không nói “con hư tại mẹ” mà “con không ăn là tại mẹ”: mẹ quá lo lắng, mẹ không hiểu nhu cầu của con, mẹ quá cứng nhắc theo chuẩn, mẹ lãnh cảm, mẹ cho các món ăn không hợp khẩu vị của con, …
Bài viết liên quan
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ
- Thiếu Oxy não là gì?
- Điều nên biết về U xơ tử cung
- Chăm sóc gan và một số điều cần lưu ý
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng thực phẩm
- Viêm khớp ngón tay cái
- Bệnh về gan gây cản trở khả năng đi lại
- Liệu ăn quá nhiều chất xơ có bị co thắt…
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng men vi sinh