Được biết, nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính là bệnh phổ biến ở nước ta, đặc biệt là vào mùa đông. Đặc biệt, viêm đường hô hấp cấp tính là bệnh có tỷ lệ trẻ mắc phải và tử vong khá cao. Người bệnh có thể mắc đi mắc lại nhiều lần trong năm. Theo các nhà chuyên môn, nhiễm khuẩn đường hô hấp được chia thành 2 loại: nhiễm khuẩn hô hấp trên và nhiễm khuẩn hô hấp dưới. Nhiễm khuẩn hô hấp trên bao gồm các trường hợp ho, cảm lạnh, viêm mũi-họng, viêm amidan, viêm tai giữa, VA. Nhiễm khuẩn hô hấp dưới bao gồm: viêm thanh khí phế quản, viêm phổi…
Phần lớn nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính ở trẻ em là do nhiễm các loại virus có ái lực lớn với đường hô hấp. Khả năng lây lan của virus dễ dàng, tỷ lệ người lành mang virus cao nên bệnh có nguy cơ phát triển trong cộng đồng thành dịch và dễ bị nhiễm lại. Bên cạnh đó, ở những nước đang phát triển như Việt Nam, căn nguyên nhiễm khuẩn vẫn đóng vai trò quan trọng trong nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp.
Trẻ em khi sinh ra được thừa hưởng miễn dịch của mẹ cho đến 6 tháng tuổi, sau đó phải tự tạo miễn dịch cho mình. Khi trẻ khoảng 8 tuổi, hệ miễn dịch mới phát triển đẩy đủ. Lúc đang tự tạo hệ miễn dịch là khoảng thời gian khó khăn đối với trẻ trong việc đối phó với các căn bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp. Những yếu tố nguy cơ góp phần gia tăng tỷ lệ trẻ em bị nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp là trẻ sinh nhẹ cân, sinh non, không được nuôi bằng sữa mẹ, biếng ăn, suy dinh dưỡng. Những trẻ này có hệ miễn dịch yếu nên dễ có nguy cơ nhiễm bệnh. Ngoài ra, điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, một năm có bốn mùa thời tiết thay đổi như nước ta cũng là điều kiện thuận lợi gây nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ.
Thêm vào đó, môi trường sống hiện nay bị ô nhiễm nặng nề, mật độ bụi, khí bẩn chứa vi khuẩn, virus, hóa chất ở mức độ báo động luôn là nguy cơ tiềm tàng đe dọa sức khỏe đường hô hấp non yếu của trẻ. Bé hay bị viêm đường hô hấp sẽ rất ốm yếu, ăn uống kém, dễ bị suy dinh dưỡng.
Trẻ em là những đối tượng dễ mắc các bệnh về đường hô hấp
Khi trẻ ăn uống kém, cơ thể không được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ lại là nguyên nhân khiến sức đề kháng bị suy yếu. Đó cũng là yếu tố nguy cơ khiến trẻ dễ dàng bị nhiễm bệnh viêm đường hô hấp trở lại. Chính vì vậy, để giúp trẻ có được sức khỏe tốt trong thời kỳ đang tự tạo hệ miễn dịch, phụ huynh nên giúp trẻ phòng ngừa và nâng cao khả năng miễn dịch.
Hai việc giúp cải thiện thể trạng và phòng chống bật tật cho trẻ là miễn dịch và tiêu hóa. Với hệ miễn dịch tốt, trẻ có khả năng tránh được nhiều bệnh như: cúm, viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, nhất là các loại viêm nhiễm tái phát nhiều lần. Trong khi đó, hệ tiêu hóa tốt lại giúp trẻ ăn ngon hơn, tăng cường thể trạng và tránh được việc mất cân bằng dinh dưỡng – nguồn gốc của các bệnh phát sinh đối với trẻ.
Phòng ngừa bệnh hô hấp mùa đông cho trẻ
“Văcxin” rửa tay – Đơn giản mà hữu hiệu
Các bác sĩ nhấn mạnh đối với trẻ càng nhỏ sức đề kháng yếu nên khả năng lây bệnh càng cao, do đó không nên đưa trẻ đến những nơi đông đúc. “Cần tránh cho trẻ (nhất là dưới 24 tháng tuổi) tiếp xúc gần gũi với người lớn và trẻ lớn đang bị cảm ho (dù là thông thường) vì một loại respiratory syncytial virus đang hoành hành vào tháng 11, có thể gây viêm tiểu phế quản. Trẻ càng nhỏ nhiễm virút này càng bệnh nặng, nhất là trẻ dưới 3 tháng tuổi”.
Đặc biệt, phụ huynh nên chú ý việc rửa tay cho trẻ bởi vì rửa tay được xem là văcxin phòng nhiều bệnh, trong đó có bệnh hô hấp. Gần đây nhất người ta đã chứng minh được việc này rất hữu hiệu trong phòng bệnh viêm tiểu phế quản. Trong viêm phổi, nếu áp dụng tốt biện pháp rửa tay sẽ giảm thiểu được nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, chương trình tiêm chủng mở rộng đã bảo vệ trẻ, giúp tránh những nguyên nhân bị nhiễm trùng hô hấp nặng. Nhưng với trẻ mắc một số bệnh mãn tính nên tiêm chủng thêm văcxin phòng ngừa cúm và phế cầu (ở trẻ trên 2 tuổi)”.
Rửa tay được xem là "vắcxin" trong việc phòng chống các bệnh đường hô hấp
Để tăng khả năng chống chọi với các bệnh hô hấp, các bác sĩ lưu ý phụ huynh cho trẻ ăn đủ chất. “Một cơ thể khỏe mạnh sẽ ít có khả năng bị bệnh hơn hoặc khi bị bệnh cũng ít tiến triển nặng hơn. Vì vậy cần đảm bảo cho trẻ ăn đủ bốn nhóm thức ăn là rau quả, ngũ cốc, chất béo, đạm và nên ăn thêm trái cây, thêm vitamin C tăng cường sức đề kháng”.
Các bác sĩ cũng cảnh báo một nguy cơ làm trẻ dễ bệnh nặng hơn. “Không ít phụ huynh thường tự mua thuốc hoặc mua lại toa thuốc cũ về điều trị cho con mà không biết rằng trẻ có thể đang bị viêm tiểu phế quản cấp hoặc viêm phổi. Có trường hợp trẻ nhập viện thì đã trễ”. Do đó, các phụ huynh cần cho trẻ uống thuốc đúng thời gian, liều lượng sau khi được bác sĩ khám, kê toa. Thực tế có nhiều bà mẹ cho con uống thuốc một hai ngày thấy đỡ, không cho uống nữa nên làm hại con mình. Vì bệnh mới thuyên giảm chứ chưa hết, sẽ tái phát, khi tái phát có khả năng nặng hơn.
Hạn chế thức ăn lạnh
Khi thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh dễ gây ra các bệnh hô hấp như viêm xoang, viêm họng, ho, viêm phế quản, đặc biệt dễ gây các cơn kịch phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, cơn hen phế quản… nên việc cần làm nhất là phòng bệnh. Ngoài việc mặc đủ ấm, tránh ngủ nơi gió lùa…, bạn nên tạo thói quen vệ sinh răng miệng sạch sẽ, súc miệng bằng nước muối ấm hằng ngày, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý… để làm sạch đường hô hấp, ngăn ngừa vi khuẩn, virus trú ngụ gây bệnh. Hạn chế tiếp xúc với người có biểu hiện bị cúm, viêm đường hô hấp; nên uống nước ấm, tránh ăn những thức ăn lấy trực tiếp từ tủ lạnh, kem, đá”.
Duy trì chế độ dinh dưỡng
Dinh dưỡng cần đủ năng lượng, cân đối để có sức chống lạnh. Thường xuyên bảo đảm vệ sinh răng miệng, giữ đều nếp đánh răng sau khi ăn và trước khi ngủ để tránh nhiễm trùng răng miệng.
Giữ ấm trong nhà
Cần chú ý đóng kín các cửa, các khe, lỗ hở tránh gió lùa. Nếu có điều kiện thì dùng lò sưởi, nhất là các gia đình có trẻ nhỏ vì khả năng chịu lạnh của các cháu kém. Tuy nhiên, cần tránh các kiểu sưởi mà chất đốt cháy không hoàn toàn như dùng lò than ủ ở phòng kín quá vì sẽ gây ngộ độc khí CO2 nguy hiểm như đã từng xảy ra ở nước ta một vài năm trước đây. Các gia đình có điều kiện dùng điều hòa nhiệt độ cũng không nên để nhiệt độ trong phòng ngủ cao quá, nhất là đối với những trẻ hằng ngày vẫn đi học hoặc người lớn đi làm, vì khi chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài nhà quá lớn sẽ dễ bị viêm đường hô hấp trên. Thông thường nên để khoảng 20-25 độ C.
Mặc ấm khi ra lạnh
Giữ ấm mặt, cổ, ngực bằng cách đeo khẩu trang, đội mũ, quàng khăn ấm khi ra đường, đặc biệt là những người làm việc ngoài trời. Khi đi xe đạp và nhất là đi xe máy nên đội mũ bảo hiểm loại che kín được cả đầu lẫn mặt, cằm để tránh bị lạnh gây nhiễm trùng đường hô hấp trên như viêm mũi họng.
Bài viết liên quan
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ
- Thiếu Oxy não là gì?
- Điều nên biết về U xơ tử cung
- Chăm sóc gan và một số điều cần lưu ý
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng thực phẩm
- Viêm khớp ngón tay cái
- Bệnh về gan gây cản trở khả năng đi lại
- Liệu ăn quá nhiều chất xơ có bị co thắt…
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng men vi sinh