Trong số nhiều lý do gây lây nhiễm qua đường tiểu tiện, lý do chủ yếu là cấu tạo phức tạp của cơ quan sinh dục nữ. Niệu đạo – đường dẫn nước tiểu của phụ nữ ngắn nên mầm bệnh ở vùng hậu môn thường di chuyển dễ dàng đến bàng quang.
Tại sao nữ giới hay bị viêm bàng quang cấp?
Nguy cơ mắc bệnh viêm bàng quang sẽ tăng lên vào mùa hè, nhất là ở các nước xứ nóng, khi người dân ra mồ hôi nhiều và tiểu ít đi. Bạn cũng nên hết sức cẩn thận với thuốc tránh thai vì đây cũng là một trong các nguyên nhân gây viêm bàng quang. Thuốc ngừa thai khi thực hiện nhiệm vụ của mình sẽ gây tác dụng phụ là làm trở ngại việc bài tiết; mặt khác, còn thay đổi hệ vi khuẩn ở cơ quan sinh dục.
Vệ sinh kém cũng khiến các vi khuẩn sản sinh nhanh. Chị em cần đặc biệt lưu ý điều này trong các kỳ kinh nguyệt. Ít thay băng vệ sinh cũng dễ dẫn đến viêm âm đạo. Ngược lại, làm vệ sinh quá nhiều cũng chưa hẳn đã tốt. Nhiều chị em mắc chứng sợ hãi vô cớ với các loại vi khuẩn nên thường xuyên sử dụng các chất diệt khuẩn hoặc không biết sử dụng phù hợp các sản phẩm vệ sinh.
Việc sử dụng vòi hoa sen xịt trực tiếp vào âm đạo sẽ làm mất cân bằng hệ vi khuẩn cũng là nguồn gốc gây bệnh. Các nhân tố gây ra việc đọng nước tiểu ở bàng quang, nhất là bệnh táo bón cũng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Một vài loại bệnh tật cũng làm tăng nguy cơ viêm nhiễm do đọng nước tiểu ở bàng quang; đó là bệnh đái đường, chứng bại liệt hay các bệnh thần kinh.
Một số loại viêm bàng quang cũng phụ thuộc vào đời sống tình dục của bạn và sự thay đổi hormon. Ở phụ nữ, căn bệnh đặc biệt này xuất hiện vào thời kỳ đang mang thai hoặc mãn kinh, vì đây là giai đoạn thay đổi hormon mạnh mẽ nhất.
Cuối cùng, có một nguyên nhân ít được lưu tâm của bệnh viêm bàng quang là mặc quần áo. Mặc quần áo quá chật có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể, gây ẩm vùng kín, tạo điều kiện cho các vi khuẩn cư trú và phát triển.
Viêm bàng quang cấp hay gặp ở nữ giới hơn nam giới
Triệu chứng của bệnh
Bệnh viêm bàng quang cấp tính là một bệnh thường xảy ra đột ngột, trong đó có một số triệu chứng có thể làm cho người bệnh dễ nhận biết mình đang lâm bệnh. Viêm bàng quang cấp tính là loại hay gặp nhất trong các loại viêm đường tiết niệu dưới (niệu quản, bàng quang, niệu đạo). Thương tổn chủ yếu xảy ra tại niêm mạc bàng quang với các hình thái phù nề, sung huyết có khi gây xuất huyết. Các triệu chứng thường xảy ra đột ngột như tiểu buốt kèm theo đau dọc theo từ niệu đạo lên bàng quang. Đau và buốt trong suốt thời gian đi tiểu và còn kéo dài sau khi tiểu hết nước tiểu trong nhiều phút. Do niêm mạc bàng quang bị viêm nên rất dễ bị kích thích do đó số lần đi tiểu tăng lên làm cho bệnh nhân lúc nào cũng buồn đi tiểu. Tuy vậy, do mỗi lần đi tiểu gây buốt nên người bệnh tiểu không hết nước tiểu phải tạm dừng vì đau và buốt (gọi là đái dắt). Lúc bị bệnh viêm bàng quang cấp, người bệnh thường có cảm giác tức ở vùng dưới rốn (vùng tương ứng với vị trí của bàng quang).
Mặc dù viêm bàng quang do nhiễm trùng nhưng ít khi sốt cao mà chỉ sốt nhẹ (hoặc không sốt) nên người bệnh không cảm nhận được. Nước tiểu thường đục ở đầu bãi hay toàn bãi, đôi khi nước tiểu có máu, gọi là đái máu (hoặc đái máu đại thể hoặc đái máu vi thể). Đái máu đại thể là đái ra máu cùng với nước tiểu mà ngay người bệnh cũng nhận biết được. Đái máu vi thể là đái ra máu nhưng mắt thường không thể nhìn thấy mà phải làm xét nghiệm soi kính hiển vi tìm hồng cầu trong nước tiểu mới phát hiện được. Chính triệu chứng đái máu đại thể làm cho người bệnh hốt hoảng, lo sợ không hiểu mình đang mắc bệnh gì.
Viêm bàng quang cấp gặp ở nữ nhiều hơn nam giới, bởi vì ở nữ giới ngoài việc cấu tạo của niệu đạo ngắn thì lỗ đái gần với bộ phận sinh dục ngoài nên vi sinh vật rất dễ theo đường niệu đạo đi lên gây viêm bàng quang (người ta gọi là viêm bàng quang ngược dòng). Tuy nhiên đối với nữ giới, trong những ngày hành kinh và sau hành kinh vài ba ngày trong nước tiểu có thể còn lẫn một ít hồng cầu, do vậy khi xét nghiệm nước tiểu cho phụ nữ nên hỏi kỹ vấn đề này.
Viêm bàng quang cấp, ngoài các triệu chứng lâm sàng thì siêu âm, chụp X-quang, xét nghiệm nước tiểu, nội soi bàng quang là hết sức cần thiết. Nếu viêm bàng quang cấp tính mà không chẩn đoán sớm và điều trị đúng phác đồ thì rất dễ trở thành viêm bàng quang mạn tính. Thông thường do người bệnh ngại đi khám hoặc ngại không nói cho người thân, người nhà biết nhất là những trường hợp vừa mới thành hôn (do sinh hoạt tình dục nhiều và lại không đảm bảo vệ sinh) hoặc người cao tuổi, vì vậy bệnh dễ trở thành mạn tính. Viêm bàng quang mạn tính thường xảy ra nhiều lần trong một năm với những triệu chứng tương tự như viêm bàng quang cấp tính nhưng âm ỉ hơn. Do viêm nhiễm bàng quang lâu ngày nên thành của bàng quang bị dày lên, xơ hóa làm cho tính đàn hồi của bàng quang bị suy giảm mỗi lần co bóp để tống nước tiểu ra ngoài, đặc biệt ở người cao tuổi nên sẽ có hiện tượng són tiểu.
Nếu thấy hiện tượng đau của viêm bàng quang ngay sau khi quan hệ, bạn nên đi tiểu ngay vì nước tiểu sẽ giúp loại bỏ những vi khuẩn có hại đang trú ngụ ở ngay niệu đạo
Nên làm gì khi bị viêm bàng quang cấp
Khi nghi bị viêm bàng quang cấp cần bình tĩnh và nên đi khám ở cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Khi người bệnh đi khám bệnh, thầy thuốc sẽ xác định căn nguyên gây nên viêm bàng quang cấp, để điều trị và hướng dẫn cho người bệnh các biện pháp phòng ngừa cần thiết.
Viêm bàng quang cấp hầu hết do vi khuẩn, vì vậy cần vệ sinh sạch sẽ hàng ngày đối với bộ phận sinh dục ngoài, nhất là nữ giới:
– Uống đủ nước. Mỗi ngày nên uống từ 1,5 – 2 lít nước. Uống đủ lượng nước này giúp cơ thể bài tiết tốt tránh nước tiểu ứ đọng ở bàng quang là biện pháp hạn chế được viêm nhiễm.
– Không nhịn đi tiểu. Cố gắng đi tiểu đều đặn và không được nhịn lâu. Vì đây cũng gây ra hiện tượng ứ đọng nước tiểu ở bàng quang.
– Đi tiểu ngay sau khi quan hệ. Nếu thấy hiện tượng đau của viêm bàng quang ngay sau khi quan hệ, bạn nên đi tiểu ngay vì nước tiểu sẽ giúp loại bỏ những vi khuẩn có hại đang trú ngụ ở ngay niệu đạo.
– Tránh gây ẩm ướt hay làm tăng nhiệt độ cơ thể. Tránh mặc quần áo quá chật vì sẽ kích thích tiết mồ hôi.
– Chú ý giữ vệ sinh trong thời gian kinh nguyệt. Trong thời gian này nên thường xuyên thay băng vệ sinh.
Những bệnh như viêm niệu đạo, âm đạo, bàng quang do lậu cầu khuẩn hoặc E.coli hoặc chlamydia hoặc mycoplasma… là những vi khuẩn cần chọn kháng sinh thích hợp để điều trị, nếu không, kết quả sẽ không được như ý muốn. Vì vậy người bệnh phải được điều trị theo đơn của bác sĩ khám bệnh và thực hiện một cách nghiêm túc, không tự tiện thay đổi thuốc, không tự động thay đổi liều lượng thuốc kháng sinh hoặc không được ngưng điều trị khi thấy hết triệu chứng viêm bàng quang cấp. Nếu người bệnh nào tự ý ngưng dùng thuốc thì mầm bệnh chưa tiêu diệt hết hẳn rất dễ lan ngược dòng gây viêm bàng quang, hoặc tạo điều kiện cho vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.
Bài viết liên quan
- Điều trị thoái hóa khớp với liệu pháp hay
- U xơ cổ tử cung và một số thông tin…
- Những điều cần biết về chứng nóng gan
- Phòng ngừa táo bón cho trẻ trong độ tuổi đi…
- Điều cần biết về bệnh Viêm loét dạ dày
- Nguyên nhân nào khiến trẻ bị thiếu cân?
- MỘT SỐ LOẠI THỰC PHẨM HỖ TRỢ CẢI THIỆN THỊ…
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Nguyên nhân khiến phụ nữ bị rụng tóc và ngứa…
- Cứng khớp do thiếu canxi