Tắm nước lá cho “lành bệnh” thành sinh bệnh
Không ít các bà mẹ khác cũng có quan niệm tắm nước chanh hoặc nước lá sẽ làm cho da trẻ không bị mẩn ngứa. Chẳng hạn, nếu bé chỉ bị mụn kê thì dùng lá chè, kinh giới; nếu bé bị lở chốc, mụn nhọt thì dùng thêm nhọ nồi, cây hoa cứt lợn, rau chân vịt; muốn tắm cho thơm thì dùng lá mùi tươi, hạt mùi, lá chanh. Khi bé bị chàm sữa (bệnh xảy ra nhiều ở bé 3-6 tháng), ngoài việc tắm lá, có gia đình còn lấy tôm hoặc nhai bã trầu xát vào, khiến bé bị tổn thương nặng nề.
Chị Hà Ngọc Hường là công chức Hà Nội, về quê chồng ở Hưng Yên sinh nở. Chị Hường sinh bình thường, sau 1 hôm cả mẹ và bé được về nhà. Mẹ chồng chị Hường là "người cổ". Biết con dâu và cháu về nhà ở cữ đã dự trữ đủ các loại lá để xông cho mẹ, tắm cho bé. Trong đó, nhiều nhất là lá tre, tía tô (cho mẹ) và lá chè, mướp đắng cho bé. Ngày nào mẹ chồng cũng đun cho chị Hường 1 nồi nước xông kèm theo 1 nồi nước tắm cho bé.
Theo giải thích của bà thì tắm lá chè rất tốt, nó giúp mịn da, tẩy được gây còn bám trên người bé (sau khi ở bụng mẹ ra). Ngoài lá chè, bà còn đun cả quả mướp đắng tươi lấy nước tắm cho bé. Nghe người mách, hôm khác, bà đun lá bưởi, lá ruối, lá dâu… tắm cho bé. Hơn nửa tháng sau, da bé không mịn mà bắt đầu sẩn, mọc nốt nhỏ li ti, mọng nước ở bên trong.
Lá chè thường được dùng để tắm, nhưng đối với trẻ em, lá chè không phải lúc nào cũng tốt
Không chỉ các mẹ trẻ ở khu vực nông thôn, nhiều mẹ trẻ ở thành phố cũng thi nhau tắm nước lá cho bé, tạo cho bé hòa nhập với môi trường thiên nhiên ngay từ nhỏ. Với lý do đó, chị Nguyễn Vân Hà – Giám đốc một công ty tư nhân đã bắt chồng về tận quê (ở Phú Thọ) tìm đủ các loại lá lên cho mẹ xông và bé tắm. Ngày nào, anh chồng cũng phải đun nước lá để nguội để bà pha với nước sôi, vừa đủ, tắm cho bé.
Vùng quê trung du là đất trồng chè, ngoài lá chè thì sài đất, lá chân vịt, lá dẻ quạt cũng rất nhiều. Thế là, mỗi hôm, bé được tắm 1 loại lá khác nhau. Ngoài ra, mẹ bé con bắt bố đi mua chanh tươi, quả dừa nhiều nước về vắt nước, lấy nước dừa nguyên chất tắm cho bé. Mẹ bé mong muốn, bé có làn da trắng sáng, mịn, đẹp tự nhiên. Bé lớn lên không bị rôm, không bị chốc đầu…
Tham khảo trên diễn đàn chăm trẻ sơ sinh, chị Hường và chị Hà rất tâm đắc vì mình đã tắm cho con được nhiều loại lá hơn các bà mẹ khác. Thế nhưng, da bé chưa đẹp thì đã phải nhập viện vì nhiễm trùng da.
Những lưu ý khi tắm nước lá cho bé
Hầu hết các bà mẹ trẻ không thể biết được những loại cây lá, quả, cỏ đó mọc ở bờ, bụi… là những chỗ rất bẩn, chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh. Khi đem về nhà, nếu không được rửa sạch, được đun thật sôi thì nó chính là mầm bệnh lây lan, gây bệnh cho bé và mẹ. Theo các chuyên gia, một số loại vi khuẩn gây bệnh, dù đã ở nhiệt độ sôi 100 độ C nhưng vẫn không chết, vẫn có khả năng gây bệnh cho bé khi gặp môi trường thích hợp để phát triển.
Không nên tắm nước dừa cho bé bởi nước dừa có chất đường, là môi trường hoạt động lý tưởng của vi khuẩn. Nhiều trẻ tắm nước dừa bị mụn nhọt đã phải điều trị dài ngày tại bệnh viện. Nước dừa dùng tắm chỉ làm da bé thêm bẩn, vì lượng đường trong nước dừa nhiều là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển. Thêm nữa làn da bé trắng hay đen là do di truyền, nước dừa không thể giúp da trắng lên như nhiều bà mẹ vẫn nghĩ.
Không nên tắm chanh hay gội đầu cho bé bằng chanh vì trong chanh có axit. Chỉ cần mẹ kì cọ cho bé một chút cũng có thể khiến bé bị xót, rát da. Bé lại hay cho tay dụi mắt, ngậm vào miệng nên nó sẽ làm bé cay mắt và đắng miệng. Nhất là nhiều mẹ gội đầu cho bé bằng chanh lại không lọc các bã tép chanh ra khỏi nước mà cứ để cả như vậy. Khi gội đầu, bé sẽ bị dính vào tóc khiến tóc bẩn, bết và là điều kiện để da đầu mọc rôm sảy, cứt trâu…
Không nên tắm hay gội đầu bằng chanh cho bé vì chanh có tính axit
Ngoài ra, nhiều bậc cha mẹ cũng thích dùng nước dừa, mướp đắng, chè tươi tắm cho bé. Tuy nhiên, không phải lúc nào những loại nước tắm này cũng an toàn. Làn da của bé rất mỏng, chỉ bằng 1/5 da người lớn với các chức năng bảo vệ kém nên rất dễ bị nhiễm khuẩn. Do đó, một số loại cây, lá mọc ở bờ bụi tồn tại rất nhiều loại vi khuẩn gây bệnh, thậm chí khi được đun sôi thì mầm bệnh đó cũng chưa chắc đã được tiêu diệt hết. Vì vậy, một số bé có thể bị nhiễm trùng, viêm da khi tắm bằng những loại cây và lá này. Nhớ rằng khi bé bị rôm sảy, nhất thiết phải tắm rửa thường xuyên và lau khô da trước khi thoa phấn rôm cho bé.
Không nên tự ý tắm các loại lá cho trẻ như lá sài đất, lá chân vịt, lá cây khúc tần, lá khế, lá tre, ngải cứu, lá lốt, trầu không….Những loại lá này thường mang trong mình nhiều vi khuẩn, dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng….dù có rửa qua nước và đun sôi thì cũng không hết được. Đó là chưa kể quy trình sơ chế và chiết lọc của các mẹ đều không tuân theo đúng quy chuẩn là sạch bã và vi khuẩn.
Ngoài ra còn một số lưu ý sau:
- Nên tắm cho bé nước sạch đun sôi, để ấm, cho qua bình lọc loại bỏ tạp chất, vi khuẩn.
- Nếu muốn tắm cho con bằng dầu tắm thì phải biết những chất hóa học thế giới đang cấm sử dụng trong sản xuất sản phẩm cho trẻ em, đọc bảng thành phần của các sản phẩm trong siêu thị và chọn loại nào có chứng nhận của tổ chức uy tín thế giới, có độ pH phù hợp với da bé.
- Nếu muốn tắm lá thì phải xem da bé thuộc loại gì, bé nên tắm loại lá nào vào thời kì nào. Bị mẩn ngứa, mụn, rôm sảy có nên tắm lá cho bé không, những điều này cần được tư vấn từ bác sĩ.
Quy trình tắm đúng cách cho bé
- Sát trùng tay bằng cồn 70 độ trước khi tắm cho bé, cắt móng tay để tránh làm tổn thương da bé + Pha nước ấm trên dưới 37 độ, phòng kín gió, ấm áp.
- Nhẹ nhàng rửa mặt, tai, mũi, cổ trước khi tắm bằng muối sinh lý và khăn mặt bằng vải xô, bông băng, tăm bông.
- Tắm từ chỗ sạch nhất đến chỗ bẩn hơn (những chỗ có nếp gấp, bộ phận sinh dục)
- Nên lau rửa nhẹ cho bé từ trước ra sau để tránh nhiễm trùng, riêng bé trai thì rửa nhẹ nhàng tránh tuột bao quy đầu.
- Lau khô người bé bằng khăn bông mềm rồi quấn khăn bông khô vào người bé để bé không bị lạnh.
Kết luận
Không phải bé sơ sinh nào tắm lá cũng gây các phản ứng trên da. Một số biện pháp dân gian như tắm bằng quả mướp đắng, lá chè tươi, tắm chanh hay một số loại lá cây khác cho bé cũng rất hiệu quả. Tuy nhiên, không phải trẻ sơ sinh nào cũng thích ứng được những loại nước lá và quả này. Trong khi đó, ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, da có những đặc tính rất khác biệt như mỏng, chỉ bằng khoảng 1/5 da người lớn, với các chức năng bảo vệ kém nên rất dễ nhiễm khuẩn. Do đó, việc làm sạch da hàng ngày cho bé cần phải đúng cách, nên theo chỉ dẫn của bác sỹ sẽ tránh được những "tai nạn" đáng tiếc xảy ra cho da của bé.
Bài viết liên quan
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ
- Thiếu Oxy não là gì?
- Điều nên biết về U xơ tử cung
- Chăm sóc gan và một số điều cần lưu ý
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng thực phẩm
- Viêm khớp ngón tay cái
- Bệnh về gan gây cản trở khả năng đi lại
- Liệu ăn quá nhiều chất xơ có bị co thắt…
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng men vi sinh