Trong buổi tọa đàm chuyên đề “Bảo vệ sức khỏe cho người già” do Trung tâm Giáo dục Sức khỏe và Phát triển Cộng đồng Tương Lai tổ chức tại quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh, Thạc sĩ – Bác sĩ Trần Thanh Linh – chuyên ngành lão khoa bệnh viện Vạn Hạnh (TP. HCM) đã nêu 6 bệnh thường gặp nhất ở người cao tuổi Việt Nam:
1. Bệnh tim mạch
Tăng huyết áp là một trong những bệnh tim mạch hay gặp nhất ở người cao tuổi. Bệnh thường không có triệu chứng báo trước trừ một số ít trường hợp xây xẩm, chóng mặt. Một người có chỉ số huyết áp ở mức ≥ 140/90mmHg được gọi là bị tăng huyết áp. Khi đó người bệnh có nguy cơ bị những biến chứng như: Tai biến mạch máu não, suy tim, suy thận…, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim: Biểu hiện có thể thấy là cơn đau ngực trái, khó thở, da xanh tái và đổ mồ hôi. Bệnh này rất nguy hiểm vì dễ gây tử vong ở người cao tuổi.
Tai biến mạch máu não: Nếu người cao tuổi bỗng dưng bị yếu tay chân, nói khó khăn, đau đầu, rối loạn ý thức… thì cần nghĩ đến trường hợp bị tai biến mạch máu não. Lúc này cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt vì để càng lâu bệnh càng tiến triển càng nặng, điều trị khó khăn và tốn kém.
2. Bệnh phổi
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD): Biểu hiện là khó thở khi gắng sức hay lúc nghỉ; ho, khạc đàm kéo dài. Nguyên nhân dẫn đến COPD có thể do nghiện thuốc lá trong thời gian dài hoặc cũng có thể do biến chứng nặng của bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, viêm phổi ở người cao tuổi.
3. Bệnh đường tiêu hóa
Táo bón: Người cao tuổi dễ bị táo bón do uống ít nước, ít ăn rau quả và ít vận động.
Viêm dạ dày tá tràng
Trào ngược dạ dày thực quản
Bệnh đường tiêu hóa tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng nhưng khiến người bệnh mệt mỏi, sức khỏe giảm sút.
4. Bệnh thần kinh
Sa sút trí tuệ: Biểu hiện là chứng hay quên, lú lẫn có thể dẫn đến rối loạn nhận thức và rối loạn hành vi.
Parkinson – Liệt run: Người cao tuổi bị parkinson biểu hiện run khi đang ở trạng thái nghỉ, các vận động diễn ra chậm chạp, tay chân đơ cứng, tư thế người thường là khom gấp…
5. Bệnh xương khớp
Loãng xương: Bệnh này rất khó nhận biết, dấu hiệu lâm sàng mơ hồ, vài người có thể bị đau nhức các xương dài. Loãng xương khiến người cao tuổi dễ bị gãy xương, lâu bình phục, giảm khả năng hoạt động tứ chi và xương…, ảnh hưởng rất nhiều đến các hoạt động thường ngày.
Thoái hóa khớp: Là sự mài mòn các khớp gây ra đau nhức khớp, biến dạng khớp, hạn chế vận động…
6. Bệnh đường tiết niệu
Bệnh phì đại tiền liệt tuyến khiến người cao tuổi hay đi tiểu đêm, thường tiểu sót, tiểu lắt nhắt, tiểu yếu. Với phụ nữ hay gặp dấu hiệu tiểu són, nhiễm trùng đường tiểu.
Ở người cao tuổi, để phòng ngừa các bệnh trên và tăng cường sức khỏe rất cần phải tránh xa thuốc lá, hạn chế bia rượu, giảm cân (nếu cần). Bên cạnh đó, tuân thủ chế độ ăn uống khoa học, tập thể dục, kiểm tra sức khỏe định kỳ sẽ giúp người cao tuổi cải thiện sức khỏe cũng như chất lượng sống. Người cao tuổi nếu mắc một trong các bệnh trên cần được gia đình và xã hội quan tâm để tuân thủ theo điều trị y khoa đồng thời áp dụng lối sống hợp lý, giữ gìn thể trạng ở mức tốt nhất có thể.
Bài viết liên quan
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ
- Thiếu Oxy não là gì?
- Điều nên biết về U xơ tử cung
- Chăm sóc gan và một số điều cần lưu ý
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng thực phẩm
- Viêm khớp ngón tay cái
- Bệnh về gan gây cản trở khả năng đi lại
- Liệu ăn quá nhiều chất xơ có bị co thắt…
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng men vi sinh