Dấu hiệu bé khỏe :
Những dấu hiệu sau cho biết bé nhà bạn đang khỏe mạnh : Một trẻ mới ra đời khỏe mạnh có cơ thể hồng hào, đôi khi hơi tím ở đầu ngón tay, chân do lạnh. Da trẻ thường được bao phủ bởi một lớp chất trắng mỏng là chất gây, có tác dụng bảo vệ da bé trong ngày đầu sau sinh. Trẻ đủ tháng khỏe mạnh thường ngủ nhiều trong những ngày đầu. Khi trẻ ngủ, hai tay hơi nắm lại và chân co nhẹ.
Những biểu hiện bình thường ở trẻ
- Trẻ dễ giật mình khi có tiếng động dù nhỏ, điều này là do hệ thần kinh vỏ não chưa hoàn chỉnh, trẻ sẽ ngủ yên sau từ 1-3 tháng.
- Trẻ có thể ói nhớt một vài lần sau sinh. Người nhà không nên cho trẻ uống nước hay các thức uống khác ngoài sữa mẹ, vì sữa mẹ giúp trẻ dễ tiêu hóa và dễ tống phân xu hơn.
Những biểu hiện đáng chú ý
Bạn cũng phải chú ý tới những biểu hiện của bé dù là nhỏ nhất như: nhịp thở, run cơ, bú ít,… Những dấu hiệu này cho thấy bé tình trạng sức khỏe của bé nhà bạn như thế nào.
Nhịp thở: Nhịp thở của bé chưa đều, đặc biệt trong ngày đầu. Có lúc trẻ thở nhanh, mạnh và có lúc thở chậm, nhẹ; đôi khi trẻ có cơn ngưng thở ngắn dưới 20 giây và trẻ vẫn hồng hào.
Run cơ: Trẻ thường có biểu hiện run nhẹ cả tay, chân và khi giữ tay chân trẻ thì dấu hiệu này biến mất, đây là chứng run cơ bình thường của trẻ sơ sinh.
Bú ít: Trẻ bú ít trong 1 – 2 ngày đầu, trung bình trẻ bú khoảng 10ml/ngày thứ nhất và 15ml – 20ml/ngày thứ hai, tăng 5 – 10ml/cữ.
Biểu hiện ở da: Trẻ có thể vàng da từ ba ngày sau sinh trở đi. Việc cho trẻ bú mẹ ngay sau sinh và phơi nắng mỗi sáng sẽ giúp giảm vàng da. Da trẻ cũng có thể có các nốt trắng, nổi cộm, thường xuất hiện nhiều ở vùng mũi, cằm và họng. Các nốt sẽ tự bong tróc sau vài ngày.
Tiểu ít: Trẻ tiểu ít trong ba ngày đầu sau sinh. Sau đó, trẻ sẽ tiểu nhiều dễ dẫn đến thiếu nước, làm khô da và sụt cân so với lúc sinh. Để trẻ không bị thiếu nước, ba mẹ nên cho trẻ bú nhiều sữa mẹ, trẻ sẽ sớm lấy lại cân nặng lúc sinh.
Giấc ngủ: Trẻ sơ sinh có thời gian ngủ trung bình 14 – 16 tiếng/ngày. Tuy nhiên, một vài trẻ có thể ngủ ngày nhiều, đêm ít vì còn thói quen thức – ngủ trong bụng mẹ, chưa phân biệt được ngày, đêm. Người nhà có thể tập cho trẻ thói quen ngủ – thức bằng cách tạo không gian yên tĩnh với ánh sáng mờ khi cho trẻ ngủ. Từ từ trẻ sẽ ngủ theo chu kỳ ngày đêm.
Chăm sóc trẻ như thế nào?
Chăm sóc da:
Nên tắm cho trẻ mỗi ngày và thời gian tắm tốt nhất cho trẻ là vào khoảng từ 9 – 10 giờ sáng hoặc 14 – 15 giờ chiều bằng nước ấm. Chú ý chăm sóc rốn trẻ sau khi tắm.
Tã lót, quần áo của trẻ cần chọn loại vải cotton để dễ thấm mồ hồi, thoáng. Không nên chọn các loại vải có nhiều lông, sợi len vì dễ gây dị ứng da trẻ. Quần áo không nên có các hạt cứng nhỏ (nút, cườm đính,…) có thể gây sặc, ngạt thở bé khi lỡ rơi vào đường hô hấp; không dùng kim băng (có đầu nhọn) để gài áo, khăn quấn vì có thể đâm vào người bé.
Trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ môi trường, cần giữ ấm trẻ khi trời lạnh và cho trẻ nằm nơi thoáng mát khi thời tiết nóng. Không cần thiết cho trẻ ở trong phòng quá kín và quấn bọc trẻ, dễ làm trẻ nổi rôm sảy. Thậm chí, trẻ có thể bị sốt nếu phụ huynh ủ ấm quá mức.
Thay ngay tã mỗi khi bé tiêu, tiểu. Da và niêm mạc bé sơ sinh mỏng, rửa vùng sinh dục, hậu môn sau khi bé đi tiêu phải nhẹ nhàng, sau đó, thấm khô bằng vật thấm mềm, nhẹ tay. Hạn chế tối đa việc dùng tã giấy. Quấn tã rộng rãi cho bé để dễ dàng biết ngay khi bé tiêu, tiểu và thay tã sau đó tốt hơn dùng tã giấy nhiều. Hầu hết bé bị quấn tã giấy sẽ bị nhiễm trùng da khu vực quấn trong tã.
Làm đẹp nào bé cưng
Trong tháng đầu, không nên dùng phấn thơm, dầu thơm cho trẻ vì da trẻ rất nhạy cảm, dễ bị dị ứng.
Trong trường hợp thời tiết lạnh, da khô, có thể sử dụng các loại dầu thoa làm mềm da dành cho trẻ sơ sinh như baby oil. Hạn chế dùng các loại dầu nóng cho trẻ.
Cho trẻ bú: Trẻ nên bú mẹ sớm trong vòng 30 phút đầu ra đời khi sinh thường và sau một giờ khi sinh mổ. Điều này giúp trẻ tận hưởng nguồn sữa non giàu chất kháng thể bảo vệ trẻ chống đỡ với các bệnh nhiễm trùng, dị ứng.
Chuẩn bị ăn thôi nào
- Nên cho trẻ bú theo nhu cầu vì khi trẻ đói, trẻ sẽ khóc đòi bú. Không cần thiết đánh thức trẻ để cho bú khi trẻ đang ngủ say vì giấc ngủ cũng quan trọng cho sự phát triển của hệ thần kinh của trẻ.
- Trẻ bú nhiều thì mẹ tạo sữa nhiều, vì thế các bà mẹ đừng lo lắng mà cho trẻ bú kèm sữa bột.
- Trẻ bú mẹ hoàn toàn không cần uống thêm nước, vì trong sữa mẹ đã đủ nước. Các bà mẹ nên uống nhiều nước, từ 2 – 3 lít (bao gồm tất cả các loại nước sữa, canh, nước ép trái cây…) vì nhu cầu nước trong giai đoạn cho con bú mẹ tăng.
Chăm sóc rốn:
Cuống rốn khi chưa rụng nên được thay băng hàng ngày lúc tắm bé. Bôi thuốc sát trùng lên khắp cuống rốn, tránh chạm đến da cạnh gốc cuống rốn, đắp gạc vô trùng rồi quấn băng rốn quanh bụng để giữ. Thao tác cụ thể nên được hướng dẫn bởi nữ hộ sinh. Băng rốn quấn quanh bụng chỉ nên vừa đủ áp sát quanh da bụng, giúp giữ được gạc che cuống rốn, băng chật sẽ cản trở bé thở và bú no. Khi cuống rốn đã rụng, da gốc cuống rốn đã liền (bé đã có cái rốn như người lớn) thì nên bỏ ngay gạc che và băng rốn để bé không bị vướng víu, thấm nước tiểu mất vệ sinh, cản trở bé bú no và thở.
Trước khi chăm sóc, cần rửa tay bằng cồn 70 độ. Nên chăm sóc rốn mỗi ngày cho đến khi rốn lành và khô lại. Nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám khi rốn trẻ có những dấu hiệu như: da vùng quanh cuống rốn ửng đỏ, cuống rốn chảy nước vàng hoặc có mùi hôi, rốn rụng rồi nhưng còn lại u hạt, rốn tiếp tục rỉ dịch vàng sau khi đã rụng cuống, rốn lồi dạng vòi voi…
Phơi nắng:
Cho bé phơi nắng mỗi ngày để bổ sung vitamin D
Cho trẻ phơi nắng buổi sáng mỗi ngày, thời gian phơi nắng khoảng 15 – 20 phút và nên phơi trước 8g. Tuyệt đối không phơi nắng qua cửa kính vì như vậy trẻ không nhận được vitamin D từ ánh nắng. Khi phơi cần để da trẻ trần. Nếu bọc trẻ kín mít thì việc phơi nắng là vô ích.
Massage:
Trẻ cũng có nhu cầu massage cho nên mỗi ngày bạn massage cho trẻ từ 15 – 20 phút, và có thể massage cho trẻ sau khi tắm.
Chăm sóc kangaroo:
- Không nơi nào ấm áp bằng lòng mẹ
- Trong tháng đầu đời, mẹ cần gần gũi và trực tiếp chăm sóc trẻ, tư thế kangaroo (mẹ ẵm bồng con như chuột túi) là tư thế giúp trẻ được ủ ấm tốt nhất. Có thể đặt trẻ nằm sấp trên bụng và ngực mẹ, sau đó dùng khăn đắp ngang người trẻ.
Nghe nhạc:
Cần tập cho trẻ nghe nhạc từ nhỏ và nên chọn nhạc êm dịu giúp trẻ ngủ sâu, tốt cho sự phát triển trí não.
Các dấu hiệu cần lưu ý: Nếu trẻ có một trong những dấu hiệu sau, cần đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế:
- Ọc sữa nhiều sau cữ bú. Khi trẻ bị ọc sữa, nên đặt trẻ nằm đầu thấp và nghiêng sang một bên để trẻ ói hết. Theo dõi nếu tình trạng ói lặp lại.
- Trẻ vàng da nhiều hơn dù có phơi nắng. Trẻ bú kém và ngủ li bì.
Bài viết liên quan
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ
- Thiếu Oxy não là gì?
- Điều nên biết về U xơ tử cung
- Chăm sóc gan và một số điều cần lưu ý
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng thực phẩm
- Viêm khớp ngón tay cái
- Bệnh về gan gây cản trở khả năng đi lại
- Liệu ăn quá nhiều chất xơ có bị co thắt…
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng men vi sinh