1. Việc khám và điều trị hiếm muộn ở các cặp vợ chồng thường tốn nhiều thời gian
Nhiều xét nghiệm ở vợ phải thực hiện vào một thời điểm nhất định của chu kỳ kinh. Điểm này khiến phụ nữ phải đi lại nhiều lần đề hoàn tất các xét nghiệm và khảo sát cơ bản. Nhiều khi người phụ nữ phải thực hiện lại hoặc làm thêm một số xét nghiệm và khảo sát lâu hơn để tìm hiểu nguyên nhân trước khi điều trị.
Ở nam giới, tinh dịch đồ thường phải thực hiện nhiều lần trong những khoảng thời gian xa nhau. Nếu tinh dịch đồ bất thường đôi khi lại cần phải kiểm tra lại trong quá trình điều trị.
Khả năng thành công của một đợt điều trị hiếm muộn không cao nên thường các cặp vợ chồng phải điều trị nhiều đợt khác nhau mới có thai. Điều trị hiếm muộn thành công đôi khi cần phải có sự kiên trì của cả những người được điều trị và nhân viên y tế.
2. Nhiều trường hợp sau khi khảo sát vẫn chưa tìm được nguyên nhân rõ ràng
Khoảng 10 – 15 % trường hợp hiếm muộn, kết quả các xét nghiệm và khảo sát đều trong giới hạn bình thường. Các trường này, thuật ngữ y học gọi là hiếm muộn chưa rõ nguyên nhân, nghĩa là, với các phương tiện hiện có, chúng ta chưa xác định được nguyên nhân gây hiếm muộn.
3. Tại sao khả năng thành công của mỗi đợt điều trị thường không cao
Bình thường mỗi tháng có phóng noãn một lần, giao hợp với tinh trùng bình thường thì khả năng có thai của một cặp vợ chồng không quá 25%. Đối với cặp vợ chồng gặp vấn đề hiếm muộn, khả năng có thai hàng tháng giảm đi rất nhiều, thậm chí là không thể có thai nếu không có sự can thiệp của y học.
Việc điều trị nhằm mục đích phục hồi khả năng có thai của các cặp vợ chồng. Mỗi đợt điều trị tương đương với một lần phóng noãn và quan hệ của một cặp vợ chồng. Do đó tỉ lệ thành công của một điều trị thường khoảng 20 – 30%. Tuy nhiên, với các kỹ thuật điều trị có thể tăng đến 40% hoặc hơn.
Tỉ lệ thành công của một đợt điều trị không cao, nhưng các cặp vợ chồng có thể lặp lại nhiều đợt và tỉ lệ có thai cộng đồn có thể đạt đến 80 – 90%. Do đó, dù phải lặp lại nhiều lần, hầu hết các cặp vợ chồng sẽ có con nếu kiên trì theo đuổi việc điều trị.
4. Chi phí điều trị hiếm muộn cao
Hầu hết các phương pháp điều trị hiếm muộn đều sử dụng các nội tiết tố nhập khẩu mà Việt Nam chưa sản xuất được. Giá thành các thuốc này thường khá cao. Ngoài ra, kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm cần phải sử dụng thiết bị cao cấp, dụng cụ, hóa chất, môi trường chuyên biệt với tiêu chuẩn rất cao. Do đó các chi phí nhập khẩu, bảo quản, vận hành, sử dụng cũng rất cao.
Ngoài ra đặc biệt ở kỹ thuật TTTON, ngoài việc đầu tư các trang thiết bị cao cấp, các quy trình đòi hỏi sự quản lý nghiêm ngặt. Nếu các điều kiện trên không được đảm bảo, tỷ lệ thành công sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Tất cả các yếu tố trên đều dẫn tớ chi phí điều trị cao.
Với nỗ lực hiện nay của các cơ sở y tế ở Việt Nam, chi phí điều trị hiếm muộn của Việt Nam so với thế giới và khu vực vẫn còn rất thấp. Dù vậy, tỷ lệ thành công trong điều trị hiếm muộn ở Việt Nam vẫn đạt được tương đương với khu vực và trên thế giới.
5. Kết quả điều trị của hỗ trợ sinh sản
Khác với những kỹ thuật điều trị y khoa khác, sự thành công của các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản phụ thuộc khoảng 50% vào chất lượng của các thao tác trên noãn, tinh trùng và phôi. Các bác sỹ lâm sàng dù tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân nhưng thường không tham gia nhiều vào các kỹ thuật này.
Trong nhiều kỹ thuật điều trị hiếm muộn hiện đại, noãn và tinh trùng cần được xử lý và nuôi cấy bên ngoài cơ thể. Hiệu quả của các kỹ thuật sinh học đặt biệt này phụ thuộc vào trình độ và kinh nghiệm của các chuyên gia về phôi học và cơ sở vật chất của các trung tâm điều trị hiếm muộn. Xử lý, nuôi cấy noãn, tinh trùng, phôi đóng một vai trò quyết định vào tỉ lệ thành công của các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Do đó ngoài việc chọn các bác sỹ lâm sàng nhiều kinh nghiệm để khám và điều trị, các cặp vợ chồng cũng cần chú ý đến trình độ và kinh nghiệm của các chuyện viên phôi học tại các cơ sở điều trị. Các chuyên gia này đóng góp một phần rất quan trọng vào khả năng thành công của điều trị hiếm muộn.
6. Một số lời khuyên dành cho các cặp vợ chồng hiếm muộn
Nên đi khám và điều trị sớm nếu sau 1 năm mong con, quan hệ tình dục thường xuyên không sử dụng một biện pháp tránh thai nào mà vẫn chưa có thai. Đối với phụ nữ trên 35 tuổi thì nên đi khám sau khoảng 6 tháng cố gắng thụ thai mà chưa có thai.
Sau khi lập gia đình không nên trì hoãn việc có con nếu người phụ nữ đã trên 30 tuổi.
Bạn nên đi khám và điều trị ở các cơ sở y tế chuyên khoa có các bác sỹ và chuyên gia phôi học có trình độ và kinh nghiệm để được tư vấn và điều trị phù hợp và có kết quả tốt nhất.
Bạn cũng nên tìm hiểu những kiến thức về sinh sản, các thông tin liên quan đến khám, điều trị hiếm muộn trên sách báo và internet đáng tin cậy.
Chú ý điều chỉnh chế độ làm việc, ăn uống, sinh hoạt để giữ gìn sức khỏe sinh sản.
Bài viết liên quan
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ
- Thiếu Oxy não là gì?
- Điều nên biết về U xơ tử cung
- Chăm sóc gan và một số điều cần lưu ý
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng thực phẩm
- Viêm khớp ngón tay cái
- Bệnh về gan gây cản trở khả năng đi lại
- Liệu ăn quá nhiều chất xơ có bị co thắt…
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng men vi sinh