TS-BS Lê Thị Thu Hà – Phó khoa Sản A, Bệnh viện Từ Dũ cho biết, phụ nữ lớn tuổi sinh con sẽ có nguy cơ cao bất thường của bé, đặc biệt là hội chứng Down. Cụ thể: nguy cơ mắc hội chứng Down là 1/1600 ở tuổi 20; 1/1300 ở tuổi 25; 1/1000 ở tuổi 30; 1/365 ở tuổi 35; 1/90 ở tuổi 40 và 1/30 ở tuổi 45… Bên cạnh đó là nhiều dị tật do các rối loạn nhiễm sắc thể của thai nhi. Trong đó, 2/3 các rối loạn về nhiễm sắc thể có khả năng gây sẩy thai sớm trong hai tháng đầu do dị tật quá nặng.
Dị tật khoèo chân và dị tật tim cũng tăng lên ở con của những bà mẹ lớn tuổi. Tỷ lệ song thai ở người mẹ lớn tuổi cũng gia tăng.
Mặt khác, do tuổi lớn, tử cung có thể không tốt, hoặc do tiền sử mang thai nhiều lần của bà mẹ, cùng với những bệnh lý khác như cao huyết áp, tiểu đường, nhân xơ tử cung, bệnh về vú… sẽ ảnh hưởng đáng kể đến thai kỳ, khiến cuộc chuyển dạ khó khăn hơn, khả năng rối loạn cơn gò, khả năng mổ sinh cũng cao hơn.
Tư vấn thai phụ lớn tuổi
Chưa hết, ở những thai phụ lớn tuổi, do môi trường tử cung không đạt mức độ lý tưởng cho sự phát triển của bào thai, dễ dẫn đến việc sinh non. Nguy cơ sinh non ở phụ nữ lớn tuổi cao gấp nhiều lần so với phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ.
Nguy cơ phát sinh cao huyết áp trong khi mang thai cũng dễ xảy ra với thai phụ lớn tuổi và khả năng giãn tĩnh mạch, tích trữ nước trong quá trình mang thai cũng cao hơn.
Ngoài ra, áp lực công việc, xã hội… và nhiều gánh nặng khác cũng tác động nhiều đến tâm lý của sản phụ lớn tuổi hơn sản phụ trẻ, điều này dẫn đến những tác động xấu cho sức khỏe của bà mẹ và thai nhi.
Cần tuân thủ lịch khám thai định kỳ
Thai phụ cần khám thai định kỳ và làm đầy đủ các xét nghiệm đánh giá sức khỏe của người mẹ và xét nghiệm sàng lọc bất thường thai nhi. Thai phụ càng lớn tuổi, càng phải tuân thủ lịch trình khám thai và làm các xét nghiệm cần thiết. Do vậy, khi phụ nữ lớn tuổi nhưng vẫn tha thiết sinh con thì phải khám sức khỏe tổng quát; tiêm ngừa các bệnh cần thiết như sởi, quai bị, rubella, viêm gan B, thủy đậu và nên kiểm tra bệnh phụ khoa và vú đầy đủ trước khi quyết định “bầu bí”.
Tuy nhiên, hiện nay, vẫn chưa thể sàng lọc hết được tất cả các loại dị tật bẩm sinh, nên càng lớn tuổi thì càng phải cân nhắc chuyện sinh con. Để sinh con ở tuổi sau 35 thì sức khỏe của cả hai vợ chồng đều phải thật tốt.
Có thể trữ lạnh trứng để dành sinh con
Có nhiều trường hợp không thể mang thai ở tuổi lý tưởng buộc phải sinh trễ hơn. Có những trường hợp khó có thai do chức năng buồng trứng giảm khi trên 35 tuổi. Với sự tiến bộ của khoa học, người ta có thể kích thích buồng trứng rồi hút trứng và trữ lạnh, nếu chưa có chồng. Trong trường hợp có chồng, có thể làm phôi và trữ lạnh vì trứng trữ lạnh yếu hơn phôi trữ lạnh. Tuy nhiên, phương pháp này không áp dụng cho phụ nữ trên 45 tuổi.
Theo (Phụ nữ Online)
Bài viết liên quan
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ
- Thiếu Oxy não là gì?
- Điều nên biết về U xơ tử cung
- Chăm sóc gan và một số điều cần lưu ý
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng thực phẩm
- Viêm khớp ngón tay cái
- Bệnh về gan gây cản trở khả năng đi lại
- Liệu ăn quá nhiều chất xơ có bị co thắt…
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng men vi sinh