Trả lời:
Da không tiết mồ hôi (đúng ra là giảm tiết mồ hôi quá mức), tuy là chứng bệnh rất "quái lạ", nhưng bạn cũng chớ nên quá lo lắng, vì cả Đông y và Tây y đều có thuốc chữa trị.
Sự tiết xuất mồ hôi có hai chức năng chính, thứ nhất là điều hòa thân nhiệt, thứ hai là đào thải các chất cặn bã cùng chất độc. Da đỏ bừng hoặc tái mét, cũng như mụn trứng cá, mụn bọc trong trường hợp này là hậu quả của giảm tiết mồ hôi. Một khi quá trình điều tiết mồ hôi được hồi phục, thì các chứng bệnh liên quan cũng sẽ tự khỏi.
Tuy nhiên, giảm tiết mồ hôi là chứng bệnh có cơ chế tương đối phức tạp, vì vậy bạn cần đến bệnh viện hoặc phòng khám Đông y, để được các thầy thuốc hướng dẫn cụ thể. Không nên tự dùng thuốc chữa trị một cách cảm tính, hoặc nghe theo lời mách bảo không có cơ sở.
Chứng bệnh không mồ hôi (vô hãn) đã được Đông y đề cập sớm nhất trong thiên "Doanh vệ sinh hội" của sách "Linh khu", từ cách nay hơn 2000 năm. Về sau, cách chữa bệnh này được phân tích và trình bày tỉ mỉ trong các sách "Thương hàn luận" và "Xích thủy huyền chu".
Theo Đông y: Mồ hôi là do "tân dịch" được "dương khí" chưng hóa, theo "hãn khổng" (tuyến mồ hôi) tiết ra mà thành. "Dương khí" trong trường hợp này chỉ năng lượng và chức năng sinh lý, còn "tân dịch" chỉ huyết dịch cùng các loại dịch thể khác bên trong cơ thể. Chứng bệnh vô hãn thường là do "dương khí" không đầy đủ (không đủ sức chưng hóa tân dịch), hoặc do tân dịch không đầy đủ (nguồn nước để biến thành mồ hôi bị cạn kiệt), hoặc do "bệnh tà" (tác nhân gây bệnh) làm rối loạn cơ chế bài tiết mồ hôi gây nên.
Như vậy, để mồ hôi tiết xuất bình thường, cơ thể cần có đủ "dương khí", "tân dịch" và cơ chế điều tiết mồ hôi hoạt động tốt.
Trước mắt, để khắc phục chứng không mồ hôi, ngoài việc ăn uống đủ dinh dưỡng, bạn có thể dùng thử một số bài thuốc có tác dụng bổ sung dương khí, làm tăng tân dịch và xúc tiến bài tiết mồ hôi sau đây:
Bí đao khắc phục chứng không mồ hôi
– Trà tía tô bí đao:
Hàng ngày dùng 1 nắm lá tía tô (cỡ 20g), bí đao (để cả vỏ, rửa sạch, thái thành miếng nhỏ cỡ ngón tay) 50g; Sắc nước uống thay nước trong ngày.
Nếu có thêm củ mạch môn (cây tóc tiên vẫn trồng làm cảnh, đào lấy củ, rửa sạch, bỏ lõi, khoảng 10-15g), cùng sắc uống tác dụng càng tốt.
– Tư âm phát hãn thang:
Nhân sâm 8g (hoặc đảng sâm 16g), quế chi 8g, tía tô 8g, đương quy 10g, xuyên khung 6g, bạch thược 10g, thục địa 16g, mạch môn 12g, cam thảo 6g; sắc nước uống mỗi ngày một thang, sắc 2-3 lần, chia ra nhiều lần uống thay nước trong ngày.
Bài thuốc dùng nhân sâm, cam thảo để ôn bổ dương khí, quế chi và tía tô để điều hòa quá trình tiết xuất mồ hôi, các vị thuốc còn lại có tác dụng bổ huyết và làm tăng âm dịch.
Tất cả các vị thuốc nói trên đều có sẵn ở các cửa hàng Đông Nam dược, thuốc an toàn không tác dụng phụ, vì vậy có thể mua về dùng thử.
(Theo Thuocvuonnha)
Bài viết liên quan
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ
- Thiếu Oxy não là gì?
- Điều nên biết về U xơ tử cung
- Chăm sóc gan và một số điều cần lưu ý
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng thực phẩm
- Viêm khớp ngón tay cái
- Bệnh về gan gây cản trở khả năng đi lại
- Liệu ăn quá nhiều chất xơ có bị co thắt…
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng men vi sinh