Nếu bé có bất cứ biểu hiện gì bị thương, triệu chứng ốm (kèm sốt), bỏ ăn, hoặc phản ứng theo cách khiến bạn lo âu, hãy đưa bé đến bác sĩ.
Có một số trường hợp hiển nhiên thuộc diện cấp cứu, chẳng hạn bé bị vết cắt sâu, bị bỏng hoặc tai nạn. Ngoài ra, nếu em bé có phản ứng khác thường, ví dụ không thức dậy, hoặc sốt cao…, bạn đều phải coi đó là khẩn cấp.
Mặc dù vậy, có những trường hợp vết thương nghiêm trọng (ví dụ va đập vào đầu) nhưng lại không thể hiện triệu chứng hiển nhiên. Một số triệu chứng ốm nghiêm trọng cũng không rõ ràng ở bé tuổi nhỏ.
Vì thế, hãy lưu ý những dấu hiệu được coi là "báo động đỏ" sau đây, là lúc bạn cần gọi bác sĩ:
– Sốt: Sốt là triệu chứng rất quan trọng cho thấy có gì không ổn với bé. Ở trẻ sơ sinh (dưới 3 tháng), nhiệt kế đo ở hậu môn lớn hơn 38 độ C được xem là nghiêm trọng. Bác sĩ cần kiểm tra ngay để đảm bảo bé không bị nhiễm trùng. Ở trẻ từ 3 đến 6 tháng, nhiệt độ vùng hậu môn 38,3 độ C thì cần đưa bé đến bác sĩ.
Khi bé bị sốt cần gặp bác sĩ để kiểm tra ngay
Với bé 6 đến 12 tháng, nếu nhiệt kế đo hậu môn là 39,4 độ C, bạn cần gọi điện cho bác sĩ. Tùy vào triệu chứng, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn mang bé đến ngay hoặc hạ sốt và trông chừng bé.
Để đo thân nhiệt chính xác cho bé sơ sinh, nên đo ở hậu môn.
Với bé lớn tuổi hơn, ngược lại với trẻ sơ sinh, bạn cần tìm kiếm các triệu chứng khác để đoán biết bé ốm là do đâu. Nếu không biết chắc nguyên nhân, bạn nên đưa bé đi viện.
– Khóc và quấy: Như đã nói ở trên, bé cảm thấy khó chịu có thể cần gặp bác sĩ. Nếu bé trông có vẻ ốm mệt, không ngủ được, có các triệu chứng khác (như sốt), bé cần được đi viện. Nếu cha mẹ không thể làm dịu bé, và bé vẫn khóc trong hơn 3-4 tiếng, bé cần được gặp bác sĩ. Một ngoại lệ cho điều này là đau bụng – tình trạng mà cha mẹ có thể nhận ra. Nếu bạn không chắc chắn, hãy để bác sĩ khám cho bé.
– Từ chối ăn hoặc uống (điều này đặc biệt đúng nếu xảy ra nhiều hơn một lần). Nếu bé từ chối sữa mẹ, sữa bột, và bỏ ăn, bạn cần theo dõi kỹ. Nếu chuyện này tiếp diễn, hoặc nếu bé có kèm các triệu chứng khác như sốt, ói, hoặc ho, bé cần được gặp bác sĩ.
Nếu bé không thức dậy để ăn, và bạn không thể đánh thức bé, đó là tình huống khẩn cấp. Bạn biết lịch ăn uống thông thường của con mình. Nếu bé ngủ xuyên qua giờ ăn thông thường, và bạn không thể đánh thức bé tỉnh táo để ăn, bé cần được gặp bác sĩ. Điều này không giống như khi bé ngủ thẳng đêm mà không dậy ăn. Nó có nghĩa đã có sự thay đổi đột ngột trong hành vi của bé.
– Ói mửa liên tục: đặc biệt nếu kèm tiêu chảy. Ói mửa được coi là liên tục khi nhiều hơn 3 lần, hoặc kéo dài trong hơn 8 tiếng. Nếu bé có tiêu chảy trong hơn 24 giờ, bạn nên đưa bé đến bệnh viện. Tình trạng này là nghiêm trọng vì có thể khiến bé mất nước (bé không có nước mắt, miệng khô, và bỉm hoặc tã luôn khô ráo). Bất cứ bằng chứng nào cho thấy bé mất nước đều cần phải gặp bác sĩ ngay.
– Khó thở, kèm hoặc không kèm với ho liên tục. Bạn có thể thấy bé đang vật lộn để thở được. Bạn có thể thấy cơ ngực của bé làm việc vất vả. Bạn có thể nghe thấy tiếng khò khè hoặc các âm thanh khác. Màu da bé có thể chuyển sang tím hoặc xanh – xám. Nếu thấy bé khó thở và đổi màu da, phải đưa đi cấp cứu ngay.
Các vấn đề nghiêm trọng khác, gồm: lên cơn kinh giật, cử chỉ bất thường, vết cắt không thể ngừng chảy máu, ngộ độc.
Cần lưu ý: khi bé dùng tay kéo một hoặc hai tai, hoặc có nước chảy từ tai, có thể là dấu hiệu bé viêm tai, cần đưa đến bác sĩ. Sưng bìu hoặc sưng gần vùng rốn có thể là dấu hiệu thoát vị.
Trong bất kỳ trường hợp nào, nếu nghi ngờ vấn đề nghiêm trọng, bạn cũng nên đưa bé đi viện.
(Theo VnExpress)
Bài viết liên quan
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ
- Thiếu Oxy não là gì?
- Điều nên biết về U xơ tử cung
- Chăm sóc gan và một số điều cần lưu ý
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng thực phẩm
- Viêm khớp ngón tay cái
- Bệnh về gan gây cản trở khả năng đi lại
- Liệu ăn quá nhiều chất xơ có bị co thắt…
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng men vi sinh