HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN: 1900545562 (Từ: 8:00 - 17:00)

    Kiến thức y khoa

    Chứng chóng mặt

    Chóng mặt là một cảm giác sai sự di chuyển của cơ thể so với không gian hoặc của không gian so với cơ thể. Người bệnh cảm thấy mọi vật chao đảo xung quanh mình, có lúc thấy nhà cửa đu đưa, mặt đất dập dềnh; chóng mặt tăng khi thay đổi tư thế hoặc khi quay đầu.

    1. Nguyên nhân gây chóng mặt

    Có rất nhiều nguyên nhân gây chóng mặt, nhưng có một số nguyên nhân chính sau: Do chấn thương (va chạm, ngã, đụng giập, tai nạn giao thông…) gây ra chấn động tai trong; nhiễm độc (rượu, oxid carbon); Dùng một số thuốc có ảnh hưởng đến tai trong (tiền đình); Viêm tai giữa, xương chũm, viêm màng não; Rối loạn điều hành tuần hoàn ở trong tai, huyết áp dao động; Do ống tai ngoài bị bít (vật lạ, nút ráy tai…); Do tổn thương trong não. Do nguyên nhân rất phức tạp nên cần phải có sự phối hợp khám của nhiều chuyên khoa như tai – mũi – họng, nội khoa, thần kinh, mắt, Xquang và làm một số xét nghiệm khác.

    Chứng chóng mặt

    Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng chóng mặt

    2. Những loại chóng mặt hay gặp

    – Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính: Loại này xuất hiện đột ngột, khi thay đổi tư thế, không có dấu hiệu báo trước, không có bệnh gì rõ rệt. Chóng mặt kéo dài vài giây, xuất hiện sau khi cử động đầu. Khi đang nằm, đầu nghiêng trên gối quay sang phải hay trái, hoặc quay cả người, hoặc đang ngồi mà nghiêng đột ngột sang một bên thấy chóng mặt dữ dội. Thường cơn chóng mặt xuất hiện theo một tư thế nhất định hoặc theo một bên nhất định (bên phải hoặc bên trái). Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính chiếm khoảng 30% các trường hợp chóng mặt.

    – Bệnh Meniere (bệnh ứ nước nội dịch vô căn): Bệnh được đặc trưng bởi cơn chóng mặt kéo dài khoảng 5 phút đến 5 giờ. Trước khi chóng mặt, người bệnh có cảm giác giảm thính lực và ù tai. Chóng mặt xuất hiện đột ngột kèm theo buồn nôn và nôn, cơn có thể tái phát dẫn đến mất dần thính lực. Bệnh hay gặp ở người căng thẳng tâm lý và lo lắng. Nguyên nhân là do mất thăng bằng của áp lực dịch chứa trong tai trong.

    – Viêm dây thần kinh tiền đình: Viêm dây thần kinh do virut zona, thủy đậu, quai bị (chiếm khoảng 5% các trường hợp) gây liệt dây thần kinh tiền đình dẫn đến chóng mặt xuất hiện đột ngột, kéo dài nhiều giờ đến vài tháng nhưng không rối loạn thính lực (khác với hội chứng Meniere). Dấu hiệu Nystagmus (rung giật nhãn cầu) đánh ngang về bên lành. Bệnh có thể tự khỏi không cần điều trị, dần dần hệ thống thần kinh trung ương sẽ bù lại sự thiếu sót này và hình thành tình trạng điều hòa mới. Điều trị các thuốc “kích thích não bộ” và tập phục hồi chức năng sớm dẫn đến hồi phục tốt hơn.

    – Ngoài ra, viêm tai giữa cấp và mạn, dị dạng tai trong; chấn thương hoặc tiền sử phẫu thuật; u dây thần kinh tiền đình – ốc tai; rối loạn thị giác: loạn thị, cận thị, viễn thị…; do dùng thuốc; do dùng rượu, ma túy; say tàu xe… cũng gây chóng mặt.

    3. Điều trị và phòng bệnh

    Người bệnh cần tránh các hoạt động mạnh, thay đổi đột ngột; tránh đi lại trên cao, cheo leo, tránh gần các vật chuyển động nhanh như ôtô… Tránh các yếu tố gây kích động tâm lý, thần kinh. Khi đang cơn, người bệnh cần nghỉ ngơi ở nơi yên tĩnh, ít ánh sáng, nằm nghiêng về phía không gây cơn. Tùy từng nguyên nhân chóng mặt mà có các phương pháp điều trị khác nhau: Điều trị bằng kháng sinh nếu do viêm tai giữa; Điều trị kháng sinh kháng virut nếu do zona; Điều trị ngoại khoa cắt bỏ khối u; Điều trị phục hồi chức năng phối hợp: Trong trường hợp chóng mặt do viêm dây thần kinh tiền đình hoặc chóng mặt tư thế lành tính kịch phát, ngoài điều trị bằng thuốc, nên điều trị phục hồi chức năng để giảm nhanh hơn triệu chứng chóng mặt.

    Bài tập rèn luyện cho tiền đình chịu đựng các thay đổi tư thế thực hiện như sau: người bệnh ngồi trên mép giường, nhắm mắt thả duỗi, rồi dần dần nghiêng đầu về một bên cho đến khi đầu nằm ngang trên giường. Giữ tư thế này ít nhất 30 giây, trả đầu về tư thế cũ, lại ngồi yên trong 30 giây, tiếp tục làm động tác nghiêng đầu về phía đối diện. Lần đầu tập chỉ làm 3-4 động tác, sau đó tăng làm mỗi buổi tập 5-7 lần. Mỗi ngày tập 2 buổi, vào sáng sớm hoặc tối trước khi ngủ, kiên trì tập trong 4-5 tuần hoặc dài ngày hơn. Cách rèn luyện nêu trên đã được ứng dụng ở nhiều nước trên thế giới và mang lại kết quả tốt trong 80% các trường hợp.

    4. Một số món ăn và bài thuốc trị chứng chóng mặt

    Món ăn

    – Cháo tiểu mạch, long nhãn: tiểu mạch 50g, táo đỏ 5 quả, long nhãn nhục 15g, đường trắng 20g, gạo nếp 100g. Tất cả vo, rửa sạch, đun tiểu mạch trước với nước cho sôi rồi cho các thứ còn lại vào, thêm nước cho vừa, đun to lửa cho sôi, sau đun nhỏ lửa nấu thành cháo. Khi bắc nồi cháo xuống thì cho đường trắng vào quấy đều, ăn nóng, mỗi ngày 2-3 lần; một đợt điều trị 4-5 ngày.Công hiệu: bổ thận bổ huyết, giải nhiệt bổ tỳ vị, trị thiếu máu, hoa mắt chóng mặt, hồi hộp mất ngủ.

    – Cháo cá trê, đậu đen: cá trê 400g, đậu đen xanh lòng 200g, vỏ quýt khô 1 miếng, muối, hành tím, mùi, tiêu bột đủ dùng, gạo nếp 20g. Cá trê đem làm sạch, rửa hết máu. Đậu đen ngâm qua đêm cho nở; trần bì ngâm nước 15 phút cạo sạch lớp vỏ trắng, rửa lại lần nữa để ráo. Gạo nếp vo sạch cho vào nồi cùng cá trê, trần bì, 1 thìa cà phê muối, đổ nước vừa đủ để nấu cháo, đun to lửa cho sôi, sau đun nhỏ lửa đến khi gạo nếp và đậu nở nhừ, nêm thêm muối, đường, hành tím đã nướng chín và bóc vỏ sạch, nấu thêm độ 10 phút nữa, cháo vừa ăn là được.

    Múc cháo ra bát, cho rau mùi, tiêu, ăn nóng. Công hiệu: bồi bổ cơ thể nhất là gan và thận, chữa người bị tỳ thận suy nhược, hoa mắt chóng mặt, tay chân mỏi nhừ, ù tai, tinh thần suy nhược, đàn ông bị di tinh, phụ nữ kinh nguyệt không đều.

    – Canh cá chim: cá chim 500g, gừng, hành, bột ngọt, muối, rượu vừa đủ. Mổ cá rửa sạch cho vào nồi, cho rượu, gừng, hành thái đoạn, nước vừa đủ, đun to lửa cho sôi, sau chuyển đun nhỏ lửa nấu tới chín nhừ, cho bột ngọt, gia vị là được. Ăn cá uống canh. Công hiệu: bổ huyết kiện tỳ, chữa tỳ vị hư nhược, váng đầu hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi ăn ít, khó tiêu.

    Chứng chóng mặt

    Canh cá chim trị chứng chóng mặt

    – Canh cá trắm nấu bí xanh: cá trắm 250g, bí xanh 300-500g, dầu thực vật, muối vừa đủ. Cá đánh vảy, bỏ mang ruột, rửa sạch, rán cá. Bí xanh rửa sạch, thái nhỏ cho vào cùng với cá, đổ nước vừa đủ hầm 3-4 giờ, cho muối, gia vị là được. Ăn trong ngày. Công hiệu: bình can trừ phong, lợi tiểu thanh nhiệt, trị các chứng đau đầu hoa mắt chóng mặt, tăng huyết áp, viêm thận, thủy thũng.

    – Canh thịt dê: thịt nạc dê 300g, đương quy 20g, gừng 12g. Thịt dê thái miếng vừa ăn; đương quy rửa sạch bụi. Đổ một lượng nước vừa đủ vào nồi, cho thịt dê, đương quy, gừng vào, đặt nồi lên bếp nấu cho sôi, sau đó hạ nhỏ lửa, đậy nắp nồi để trong 2 giờ rồi nêm muối cho vừa ăn.

    Múc nước canh uống nóng trước khi ăn cơm. Công hiệu: dưỡng huyết, hoạt huyết, bổ trung, ích khí, làm ấm người, thích hợp với người bị dương suy, thân hư, phụ nữ cơ thể yếu sau khi sinh đẻ mất máu, mệt mỏi, đau lưng, nhức đầu, ù tai, hoa mắt chóng mặt, thống kinh, kinh nguyệt không đều.

    Bài thuốc trị chứng chóng mặt theo từng thể bệnh

    Thể can phong

    Người bệnh có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, ù tai, miệng khô đắng, nôn, phiền táo, dễ cáu gắt, đầu lưỡi đỏ. Mạch huyền tế đới sác. Phép chữa: bình can tức phong, tiềm dương hoặc bổ thân âm, bổ can huyết tiềm dương. Dùng một trong các bài thuốc sau:

    Bài 1. Lục vị hoàn gia giảm: thục địa 16g, sơn thù 8g, hoài sơn 12g, đương quy 8g, bạch thược 8g, phục linh 8g, trạch tả 8g, đơn bì 8g, cúc hoa 8g, long cốt 12g, mẫu lệ 12g, câu kỷ tử 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

    Bài 2. Thiên ma câu đằng ẩm: thiên ma 12g, câu đằng 16g, hoàng cầm 12g, chi tử 8g, thạch quyết minh 20g. Sắc uống ngày 1 thang.

    Nếu tăng huyết áp gây chóng mặt phiền táo, tiểu tiện đỏ, táo bón, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác là biểu hiện của chứng can hỏa vượng thì dùng bài “Long đởm tả can thang gia giảm”: long đởm thảo 12g, hoàng cầm 12g, sơn chi 12g, sài hồ 12g, sinh địa 16g, đương quy 8g, mộc thông 12g, xa tiền 16g, trạch tả 8g, cam thảo 4g, địa long 12g, mẫu lệ sống 16g. Sắc uống ngày 1 thang.

    Thể huyết hư

    Người bệnh có biểu hiện: sắc mặt xanh hoặc vàng úa, hồi hộp, ngủ ít, mệt mỏi hay quên, ăn kém, chất lưỡi nhạt ít rêu, chóng mặt hoa mắt, nữ giới thì kinh nguyệt không đều, lượng kinh ít, sắc kinh nhạt. Mạch tế nhược. Phép chữa: dưỡng huyết tức phong. Dùng một trong các bài thuốc sau:

    Bài 1. Tứ vật thang gia giảm: thục địa 12g, đương quy 12g, bạch thược 12g, xuyên khung 8g, tang ký sinh 16g, hà thủ ô 16g, ngưu tất 12g, long nhãn 12g, kỷ tử 12g, a giao 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

    Bài 2. Bát trân thang gia giảm: thục địa 12g, bạch thược 12g, xuyên khung 8g, đương quy 8g, đảng sâm 16g, bạch truật 12g, phục linh 8g, cam thảo 4g, địa long 12g, mẫu lệ sống 16g, thạch quyết minh 20g, tang ký sinh 16g. Sắc uống ngày 1 thang.

    Bài 3. Ngũ vị tử thang: đương quy 8g, hoài sơn 12g, ngũ vị tử 8g, toan táo nhân 12g, long nhãn 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

    Thể đàm thấp

    Người bệnh người béo trệ, chóng mặt, hoa mắt, lợm giọng, buồn nôn, hồi hộp, ngủ hay mê, ăn kém, sáng hay khạc ra đờm, miệng nhạt, lưỡi bệu, rêu dính. Mạch hoạt. Phép chữa: hóa đàm trừ thấp.

    Bài thuốc Nhị trần thang gia giảm: trần bì 8g, bán hạ chế 8g, phục linh 8g, cam thảo 4g, thêm trúc nhự 8g, chỉ thực 12g, địa long 8g, thạch xương bồ 8g, bạch thược 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

    Nếu rêu lưỡi trắng dính, đại tiện lỏng, miệng không khát, thêm: đảng sâm 16g, bạch truật 12g, trạch tả 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

    Kết hợp day bấm các huyệt: lao cung, nội quan, thiên lịch.

    Lao cung: ở lòng bàn tay từ khe giữa ngón tay 3 và 4 kéo xuống chạm vào đường tâm đạo là huyệt.

    Nội quan: giữa lằn chỉ cổ tay trong lên 2 tấc (bằng chiều ngang 2 ngón tay 2 và 3 khép lại).

    Thiên lịch: ở trên huyệt dương khê, từ dương khê đo lên 3 tấc.

    Xoa bóp, day bấm 3 huyệt này có tác dụng ổn định thần kinh, trấn tĩnh tinh thần, trị đau các dây thần kinh, đau đầu ù tai. Có tác dụng tốt cho việc điều trị bệnh.

     

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *

    giai-doc-gan-an-binh

    Khách hàng nhận xét

    Tôi rất yên tâm khi sử dụng sản phẩm của Dược An Bình. Từ khi sử dụng PHARZUBEST – Bổ sung vitamin và khoáng chất, sức khoẻ của tôi được cải thiện nhiều.
    Quang Trần
    Khi dùng Grathozi – Trị nấm âm đạo, bệnh của tôi đã thuyên giảm và khỏi hẳn sau 7 ngày.
    Thu Hương
    Tôi đã sử dụng sản phẩm trà An Bình được một thời gian. Thực sự, sản phẩm rất tốt và tình trạng huyết áp thấp của em được cải thiện rõ rệt. Cám ơn Dược phẩm An Bình rất nhiều!
    Thị Hồng Duyên – Tân Yên, Bắc Giang