HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN: 1900545562 (Từ: 8:00 - 17:00)

    Sức khỏe sinh sản

    Chảy máu thai kỳ – đừng nên chủ quan

    Nhìn thấy có vết máu lưu lại trên nội y là nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của các bà bầu. Có thể đây là dấu hiệu bé nhà bạn đang gặp nguy hiểm nhưng cũng có thể là một biểu hiện hết sức bình thường của thai phụ. Theo một nghiên cứu, cứ khoảng 10 thai phụ thì có 1 người từng trải qua giai đoạn chảy máu âm đạo. Điều quan trọng là khi có những dấu hiệu bất thường như thế, chị em nên đến thăm khám ở các cơ sở y tế để có những hướng dẫn cụ thể nhất tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi nhé.

    Dưới đây là một số lý do chảy máu thai kỳ phổ biến nhất mà các thai phụ nên biết:

    Đốm máu nhỏ đầu thai kỳ

    Những đốm máu nhỏ màu đỏ, có chất nhầy màu hồng hoặc nâu thường xuất hiện từ 1 – 2 ngày, đôi lúc trước cả khi bạn nhận ra rằng mình có thai. Nguyên nhân là do nồng độ hormone dao động trong thời gian đậu thai, hoặc do trứng đã bám vào thành tử cung, gây bong tróc và chảy máu. Trừ khi kèm theo các cơn đau hoặc chuột rút, còn không thì bạn đừng lo lắng quá. Để yên tâm hơn, bạn nên đến cơ sở y tế để được thăm khám cẩn thận, có thể bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm để xem xét lý do dẫn đến tình trạng này.

    Ra máu giống như 1 chu kỳ kinh nguyệt bình thường

    Có một sự thật là có một vài thai phụ đã bị chảy máu vào khoảng tuần thứ 4, 8 và 12 của thai kỳ, gần giống với chu kỳ kinh nguyệt, với những biểu hiện như sắp có kinh: bị đau lưng, chuột rút, đau bụng dưới, cảm giác phù nề v.v…, mặc dù đây không phải là hiện tượng hành kinh mà thực tế là đang mang bầu. Theo các chuyên gia, lý do chính dẫn đến tình trạng này là lượng hormone sản xuất trong thời gian bầu bí không đủ để chặn chu kỳ kinh nguyệt, làm cho chị em vẫn bị ra máu dù đang trong thời gian mang thai. Hiện tượng chảy máu này thường kéo dài khoảng 3 tháng đầu thai kỳ, khi lượng hormone chưa ổn định, nhưng có số ít bà bầu ra máu trong suốt thời kỳ thai nghén và vẫn sinh em bé khỏe mạnh bình thường.

    Có một vài thai phụ có hiện tượng ra máu giống như một chu kỳ kinh nguyệt bình thường

    Thai ngoài tử cung hoặc chửa trứng

    Thai ngoài tử cung là hiện tượng có thụ thai nhưng thai làm tổ ở ngoài buồng tử cung. Đây được coi là cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm nhất trong 3 tháng đầu thời kỳ thai nghén, vì nguy cơ chảy máu do vỡ khối chửa làm bệnh nhân tử vong. Triệu chứng thường gặp là ra máu đen từng ít một, kèm theo đau bụng ở vùng hạ vị, có khi cả bên hố chậu trái hoặc phải. Khi gặp trường hợp này, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật hoặc mổ nội soi càng sớm càng tốt để tránh vỡ túi thai. Tùy theo kích thước khối chửa, nhu cầu sinh đẻ, chất lượng của phần phụ bên đối diện mà bác sĩ sẽ quyết định bảo tồn vòi trứng hay cắt bỏ khối chửa.

    Trong khi đó, chửa trứng là hiện tượng thụ thai bất thường, dẫn đến các nguyên bào nuôi thai phát triển quá mức, gồm chửa trứng toàn phần và chửa trứng bán phần. Khi bị chửa trứng, đến 90% chị em sẽ bị chảy máu âm đạo, máu ra từng ít một, tự nhiên và có thể tự cầm. Đồng thời, có đến 40% kèm theo nghén nặng, nhưng lại không kèm theo đau bụng, trừ khi dọa sẩy thai. Cũng như thai ngoài tử cung, khi phát hiện chửa trứng, bác sĩ sẽ phải chỉ định loại bỏ thai trứng càng sớm càng tốt để tránh nguy cơ chảy máu do sẩy thai, bên cạnh đó sẽ phải theo dõi trong 2 năm liên tiếp để phát hiện sớm các biến chứng có thể xảy ra.

    Dọa sẩy hoặc sẩy thai

    Đây chính là nỗi lo lắng đến ám ảnh chị em thai phụ khi phát hiện mình bị chảy máu âm đạo trong 3 tháng đầu thai kỳ, mặc dù tỷ lệ sẩy thai tự nhiên là 1/4, nghĩa là trong 4 người mang thai sẽ có 1 thai phụ không may bị sẩy thai.

    Dọa sẩy thai gây chảy máu là tình trạng rất phổ biến trong 6 tháng đầu thời kỳ thai nghén, hay gặp ở những chị em có những bất thường ở tử cung như u xơ tử cung, tử cung đôi, tử cung 2 sừng v.v…, với những biểu hiện đặc trưng như chảy máu âm đạo kèm theo đau bụng vùng hạ vị, đau liên tục có lúc trội lên thành cơn …

    Trong trường hợp này, chị em sẽ được chỉ định phải nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh, đồng thời dùng các thuốc giảm co, làm mềm cơ tử cung. Nếu ra máu nhiều, kéo dài sẽ được bác sĩ cho thêm thuốc kháng sinh để tránh nguy cơ nhiễm trùng.

    Ra máu âm đạo trong 3 tháng đầu thai kỳ khiến các thai phụ lo lắng

    Không may mắn như dọa sẩy, tình trạng sẩy thai thực sự sẽ gây nên chấn động tâm lý rất lớn ở những chị em đang khao khát làm mẹ. Tuy nhiên, hầu như không có biện pháp nào để phòng tránh trước đó, trừ việc giữ một lối sống lành mạnh tránh xa rượu và thuốc lá. Thông thường nguyên nhân sẩy thai là kết quả của việc bào thai bị hỏng hoặc nằm sai vị trí buộc cơ thể mẹ phải loại trừ. Theo số liệu thống kê cho thấy, có khoảng 1/3 ca sẩy thai có biểu hiện ra máu trong 12 tuần đầu thai kỳ. Có trường hợp sẩy thai sớm đến mức khi ra máu chị em mới phát hiện mình có thai và đã bị hỏng.

    Dấu hiệu thường thấy của việc sẩy thai có thể khác nhau ở mỗi người: có chị em thấy xuất hiện những đốm máu nhỏ và không cảm nhận được các triệu chứng thai nghén trong 1 vài tuần; cũng có thể bị đau bụng dữ dội, ra máu ồ ạt lẫn các dịch nhầy và mô lợn cợn; có trường hợp ra máu đỏ tươi lẫn máu cục, kèm theo đau bụng, đau lưng, đau dạ dày, chuột rút v.v… Cũng có tình trạng sẩy nhưng không gây chảy máu do bào thai đã hỏng mà vẫn được cơ thể giữ lại. Trong trường hợp này bác sĩ sẽ chỉ định nạo hút để làm sạch tử cung. Dù sẩy thai là việc không mong muốn và cũng không thể ngăn chặn, nhưng đừng vì thế mà chị em tỏ ra bi quan với cơ hội làm mẹ trong tương lai, bởi theo các thống kê cho thấy, có đến 85% phụ nữ đậu thai sau lần sẩy đầu tiên, 75% đã sẩy thai lần 2 hoặc 3 có thai thành công ở lần kế tiếp.

    Nhau tiền đạo hoặc nhau bong non

    Một nguyên nhân phổ biến của chảy máu trong 2 quý cuối thai kỳ là tình trạng nhau tiền đạo. Điều này xảy ra khi lá nhau bám vào phần dưới của vách tử cung thay vì phía trên như bình thường. Vì vậy, nó sẽ chắn phía trước thai nhi lúc bé di chuyển thấp xuống đường sinh vào thời điểm chuyển dạ, làm ngăn chặn nguồn máu cấp cho thai. Đây là nguyên nhân chính gây chảy máu nhiều lần sau tuần thứ 20 và sẽ làm xuất huyết vào hai tháng cuối thai kỳ. Nhau tiền đạo thường hay xuất hiện ở bà bầu đã sinh từ 2, 3 lần trở lên. Theo thống kê 1/10 phụ nữ có nhau thai thấp sẽ bị nhau tiền đạo. Trong trường hợp này chị em sẽ được chỉ định mổ sinh.

    Trong khi đó, nhau bong non lại là tình trạng nhau thai tách khỏi thành tử cung quá sớm, gây đau đớn và chảy máu. Đây là tình huống phổ biến ở 3 tháng cuối thai kỳ, thường xảy ra theo tỉ lệ 1/200 bào thai ở các thai phụ có tiền sản giật, cao huyết áp, hoặc đã sinh từ 2 con trở lên… Ở tình trạng nhẹ, xuất huyết ít, thai phụ sẽ được yêu cầu nằm nghỉ và siêu âm để theo dõi. Nếu xảy ra cuối thai kỳ, bác sĩ sẽ chỉ định phải can thiệp bằng phương pháp giục sinh. Tuy nhiên, nếu 1/4 lá nhau tách ra, gây chảy từ 0,5 – 1 lit máu, thai phụ cần được tiếp máu và được mổ bắt con. Nguy hiểm nhất là khi lượng máu bị mất có thể lên đến trên 2 lit, tức tối thiểu 2/3 lá nhau đã tách khỏi thành tử cung, thai phụ sẽ bị choáng nặng, rối loạn đông máu v.v…

    Trường hợp này bắt buộc phải cấp cứu và giải phẫu sớm để cứu thai nhi. Nếu nhau bong trước 3 tháng cuối thai kỳ, thai nhi tử vong là không tránh khỏi. Do đó, trong thai kỳ cảm thấy đau bất ngờ và đau kéo dài trong bụng, kèm theo xuất huyết âm đạo, chị em phải nhanh chóng đến bệnh viện để được can thiệp, xử lý kịp thời.

    Chảy máu cuối thai kỳ rất nguy hiểm nên các bà bầu phải nhanh chóng đến bệnh viện để can thiệp và xử lý kịp thời

    Chảy máu cuối thai kỳ

    Việc xuất hiện vệt máu màu hồng nhạt, có khi lẫn chất nhầy với máu màu đỏ hoặc nâu đỏ, kèm theo dịch âm đạo tiết nhiều và thay đổi, từ loãng, quánh như keo trở thành dày hơn vào chính là dấu hiệu báo trước của một cơn chuyển dạ sắp đến.

    Nguyên nhân gây chảy máu trong thời điểm này là do cổ tử cung mỏng đi, những mạch máu nhỏ ở cổ tử cung bị vỡ. Nếu dịch âm đạo có màu đỏ nhiều hơn là chất nhầy trắng, giống như dấu hiệu kinh nguyệt hoặc ra nhiều máu đỏ tươi, chị em nên nhập viện sớm. Thông thường, xuất hiện dấu hiệu ra máu thì cơn chuyển dạ sẽ tới trong vòng 3 – 4 ngày nhưng cũng có trường hợp là 1 – 2 tuần sau đó.

    Chảy máu sau quan hệ tình dục

    Chảy máu sau khi “sex” trong thai kỳ là hiện tượng phổ biến và hầu như không gây hại cho cả bé lẫn mẹ. Nguyên nhân có thể do máu đến tử cung được cung cấp nhiều hơn bình thường, cũng có thể do sự xói mòn hoặc sang chấn ở cổ tử cung – xảy ra trong thai kỳ khi cổ tử cung của bạn trở nên mềm mại và mỏng manh hơn, cũng có khi do một dạng u lành trên cổ tử cung gây nên tình trạng chảy dịch nâu hoặc chảy máu sau quan hệ. Dù không nguy hiểm nhưng bạn phải luôn cẩn trọng và cần theo dõi kỹ. Khi một bà bầu bị chảy máu âm đạo, câu hỏi đầu tiên thường được bác sĩ đặt ra là “Có phải bạn vừa quan hệ không?”, hãy trả lời thành thật vì điều này ảnh hưởng đến sức khỏe của chính bạn và bé.

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *

    giai-doc-gan-an-binh

    Khách hàng nhận xét

    Tôi đã sử dụng sản phẩm trà An Bình được một thời gian. Thực sự, sản phẩm rất tốt và tình trạng huyết áp thấp của em được cải thiện rõ rệt. Cám ơn Dược phẩm An Bình rất nhiều!
    Thị Hồng Duyên – Tân Yên, Bắc Giang
    Tôi đã mua Canxi King cho cháu nhà tôi uống. Sản phẩm rất tốt và dễ uống.
    Nguyễn Minh, Khu D8, Thành Công, Đống Đa, Hà Nội
    Khi dùng Grathozi – Trị nấm âm đạo, bệnh của tôi đã thuyên giảm và khỏi hẳn sau 7 ngày.
    Thu Hương