Mô tả
Cỏ mần trầu sống quanh năm cao 15-90cm, có rễ mọc khỏe. Thân bò dài ở gốc, phân nhánh, sau mọc thẳng đứng thành bụi. Lá mọc so le, hình dải nhọn. Cụm hoa là bông xẻ ngón có 5-7 nhánh dài mọc tỏa tròn đều ở đầu cuống chung và có 1-2 nhánh xếp thấp hơn ở dưới, mỗi nhánh mang nhiều hoa. Quả thuôn dài, gần như có ba cạnh.
Cây ra hoa từ tháng 3-11.
Nơi sống và thu hái: Loài cổ nhiệt đới, mọc phổ biến ở nhiều nơi, thường gặp ở bờ ruộng, ven đường, bãi hoang. Thu hái cây vào mùa khô, rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô.
Tính vị, tác dụng: Cỏ mần trầu có vị ngọt hơi đắng, tính bình, có tác dụng hạ nhiệt, làm ra mồ hôi, tiêu viêm, trừ thấp, cầm máu, tán ứ, làm mát gan.
Cỏ mần trầu được ghi làm thuốc đầu tiên trong sách thuốc Cương Mục Thập Di có tên là Thiên kim thảo (Cỏ ngàn vàng) có lẽ do giá trị sử dụng rất quý của dược liệu không hề hiếm này.
Theo Đông y, Cỏ mần trầu có công năng thanh nhiệt giải độc, khu phong lợi thấp, tán ứ chỉ huyết. Chủ trị cảm nắng phát sốt, trẻ em co giật cấp tính, tiểu buốt, tiểu không thông, viêm niệu đạo; dùng phòng trị viêm não B, viêm khớp dạng thấp, viêm gan vàng da, trẻ em tiêu hóa kém, viêm ruột, kiết lỵ; dùng ngoài đắp trật đả tổn thương, vết thương chảy máu, chó cắn.
Toàn cây Cỏ mần trầu nhổ cả rễ, rửa sạch, phơi khô, cắt ngắn dùng. Có thể dùng tươi. Liều dùng sắc uống từ 12-20g khô hoặc 40-120g tươi, dùng tươi có thể giã vắt nước uống; dùng ngoài tùy lượng.
Cỏ mần trầu mọc hoang ở ven đường, bãi hoang và bờ ruộng có tác dụng chữa bệnh rất hiệu quả
Một số bài thuốc trị bệnh từ cỏ mần trầu
"Cỏ mần trầu đi đâu cũng gặp
Bên vệ đường ở khắp nơi nơi…
Xin đừng dẫm đạp, người ơi
Hái về làm thuốc giúp đời đỡ đau!"
Thật vậy, mần trầu có thể được xem là một loại “thần dược” vì khả năng chữa bệnh của nó chẳng thua kém gì những loại thuốc hiện đại. Hơn nữa, mần trầu lại là loại cây dễ kiếm nên được rất nhiều người dân sử dụng. Dưới đây là một số bài thuốc từ cỏ mần trầu vô cùng hữu ích, các bạn có thể tham khảo.
Bệnh nhân cao huyết áp: Nhổ toàn cây, cả rễ rửa sạch, thái nhỏ. Cần 500g, giã nát. Thêm một chén nước đun sôi để nguội, vắt lấy nước cốt. Lọc lấy nước, có thể cho thêm tí đường cho dễ uống, chia 2 lần uống vào sáng và tối trước khi đi ngủ.
Bệnh nhân lao phổi, ho khan, sốt âm ỉ về chiều, lao lực mệt nhọc, tiểu ít, nước tiểu vàng: Lấy cỏ mần trầu (40g), sắc 200ml uống một lần trong ngày.
Phụ nữ có thai người nóng dẫn đến táo bón, buồn phiền, động thai, nhức đầu, nôn mửa, tức ngực: Ngày sắc 12 – 16g khô trong 300ml nước uống 2 – 3 lần.
Trẻ con mụn nhọt, sốt cao, sốt xuất huyết, rôm sảy, ban đỏ, tưa lưỡi: Lấy cỏ mần trầu tươi (120g) rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước uống. Cỏ khô 20g sắc với 400ml nước còn 100ml chia uống hai lần.
Nóng trong người, tiểu gắt và vàng, da mẩn đỏ: Cỏ mần trầu (40g), sắc uống một lần trong ngày, có thể thêm 20g rễ cỏ tranh sắc chung uống trong ngày.
Trẻ đái dầm: Lấy 20g cỏ mần trầu, mùi tàu 20g, rau ngổ 20g, cỏ sữa lá nhỏ 10g thái nhỏ, sắc uống sau bữa ăn chiều.
Đề phòng viêm màng não truyền nhiễm: Cỏ mần trầu 30g sắc uống trong ngày. Uống liền 3 ngày, nghỉ 10 ngày, sau đó lại uống tiếp 3 ngày nữa.
Chữa sốt cao co giật, hôn mê: Cỏ mần trầu 120g. Sắc với 600 ml nước, còn 400 ml, thêm ít muối, cho uống nhiều lần trong 12 giờ.
Mần trầu cũng một vị thuốc trong toa thuốc căn bản: Cỏ tranh 8g, rau má 8g, cỏ mực 8g, cam thảo đất 8g, ké đầu ngựa 8g, mần trầu 8g, gừng tươi 2g, củ sả 4g, vỏ quýt 4g. Tác dụng của mần trầu trong đơn là giải độc, an thai, thanh nhiệt.
Chữa viêm da, vàng da: Cỏ mần trầu tươi 60g.Rễ cây tổ kén đực (1 loài cây dó) 30g. Sắc uống.
Chữa thấp nhiệt, hoàng đản: Cỏ mần trầu tươi 60g, sơn chi ma 30g. Sắc uống.
Chữa viêm tinh hoàn: Cỏ mần trầu 60g. Cùi vải 10 cùi. Sắc uống.
Chữa phong nhiệt, ghẻ lở, mẩn ngứa: Lấy cỏ mần trầu tươi, rửa sạch giã nát vắt lấy nước cốt uống. Ngày 2 – 3 lần.
Chữa cảm, sốt nóng, người mẩn đỏ, tiểu tiện vàng ít. Mần trầu 16g, Cỏ tranh 16g. Sắc uống trong ngày.
Trị kiết lỵ: Cỏ mần trầu 40-80g, sắc nước hòa đường đen uống, ngày 2 lần.
Trị trẻ em nhiệt kết, bụng dưới đầy trướng, tiểu tiện không thông: Rễ tươi cỏ mần trầu 80g, đổ 3 chén nước sắc còn 1 chén, chia 3 lần, uống trước bữa ăn.
Trị sán khí (thoát vị bẹn): Cỏ mần trầu tươi 160g, cùi vải khô 14 quả, đổ nửa nước nửa rượu, nấu cách thủy 1 giờ, uống trước bữa ăn, ngày 2 lần.
Trị mới phát nhọt vú sưng nóng đỏ đau: Cỏ mần trầu (lấy phần ngọn) 40g, Bồ công anh (lấy phần ngọn) 40g, luộc với 1 trứng gà, ăn trứng uống nước, phần xác thuốc xoa nhẹ chỗ đau.
Phòng bệnh viêm não B: Cỏ mần trầu tươi 80 – 160g, sắc uống thay trà. Một nghiên cứu lâm sàng cho biết dùng Cỏ mần trầu tươi mỗi ngày 40g, sắc uống một lần, liên tục trong 3 ngày. Nghỉ 10 ngày, uống tiếp 3 ngày nữa; hoặc mỗi ngày 40-80g, sắc uống 1 lần, uống liên tục 3-5 ngày. Trong 184.130 lượt người uống thuốc dự phòng, chỉ có 2 trường hợp phát bệnh, chiếm tỷ lệ 0,91/100.000. So sánh tỷ suất phát bệnh trong 6 năm liên tục, thì uống thuốc dự phòng này có tỷ suất phát bệnh thấp nhất (theo Trung dược đại từ điển).
Cỏ mần trầu giúp giảm rụng tóc: Cỏ mần trầu, lá hương nhu, cỏ cứt lợn (mỗi thứ một nắm) cùng 3-5 quả bồ kết. Đầu tiên nướng bồ kết rồi bỏ hạt. Tiếp theo, đun sôi nước rồi lần lượt thả từng nguyên liệu vào và nấu trong khoảng 30 phút. Khi nước chuyển sang ấm thì dùng để gội đầu thay cho nước lã thông thường. Vừa gội chị em vừa kết hợp matxa nhẹ nhàng cho da đầu.
Thường xuyên phương pháp này từ 2 – 3 lần/ tuần, kết hợp với ăn uống đủ chất và ngủ nghỉ đúng giờ bạn sẽ thấy ngay tác dụng, tóc sẽ mượt, óng, sạch gầu và ngăn ngừa rụng tóc hiệu quả.
Bài viết liên quan
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ
- Thiếu Oxy não là gì?
- Điều nên biết về U xơ tử cung
- Chăm sóc gan và một số điều cần lưu ý
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng thực phẩm
- Viêm khớp ngón tay cái
- Bệnh về gan gây cản trở khả năng đi lại
- Liệu ăn quá nhiều chất xơ có bị co thắt…
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng men vi sinh