Rau càng cua còn có tên là đơn kim, đơn buốt, cúc áo, quỷ châm thảo, thích châm thảo, tiểu quỷ châm, cương hoa thảo… Cây này thuộc nhóm thân cỏ, sống trong vòng một năm, phân bố ở những khu vực có khí hậu nhiệt đới.
Loại rau này sống quanh năm ở nơi ẩm thấp, khi còn nhỏ rau mọc thẳng đứng, sau đó bò lan ra mặt đất, thân chia ra thành nhiều nhánh nhỏ, thân cao khoảng 5-40cm, có màu xanh nhạt, toàn thân nhớt, nhẵn; phần nhánh cao chừng 20-40cm; lá mọc so le, có cuống, phiến dạng màng, trong suốt, hình tam giác – trái xoan, hình tim ở gốc,hơi tù và nhọn ở chóp, dài 15-20mm, rộng gần bằng đài; hoa hợp thành bông dạng sợi có cuống ở ngọn, dài gấp 2-3 lần lá; quả mọng hình cầu, đường kính 0,5mm, có mũi nhọn cứng ngắn ở đỉnh.
Rau càng cua mọc khá phổ biến ở nước ta, vừa làm rau ăn, vừa có công dụng chữa bệnh
Thuộc nhóm cây thân cỏ, đặc tính sinh vật học rau càng cua là sống thích hợp ở những nơi ẩm ướt, dưới chân tường, trên đá, thường khai hoa vào tháng giêng hay tháng 8 âm lịch, sức sống mạnh, hạt rất nhỏ nên dễ phân tán nơi xa, khi gặp điều kiện thích hợp sẽ lên cây và lan rộng ra.
Rau này có rất nhiều loại chất bổ khác nhau. Đặc biệt trong rau càng cua có hàm lượng Beta-caroten (tiền Vitamin A) cao hơn hẳn so với cà rốt.
Trong 100g rau càng cua chứa 92% nước, 5,2mg vitamin C, 34mg photpho, 277mg kali, 224mg canxi, 62mg magiê, sắt 3,2mg, carotenoid 4.166 UI, cung cấp cho cơ thể 24 calori. Chất vitamin C, carotenoid tăng khả năng miễn dịch, ngừa bệnh xơ vữa động mạch, tăng cường sức mạnh cơ bắp, mau lành vết thương, giải nhiệt độc cơ thể. Chất photpho, canxi giúp trẻ em phát triển xương, tăng chiều cao, ngăn ngừa còi xương và chữa chứng loãng xương người lớn.
Theo đông y, rau càng cua vị đắng, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, khu phong, hoạt huyết, tan máu ứ; thường dùng để chữa các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, viêm họng, viêm ruột thừa, viêm gan truyền nhiễm, viêm dạ dày – ruột, tiêu hóa kém, đau nhức xương khớp, sốt rét. Ngoài ra nó còn được dùng ngoài chữa rắn cắn, nhọt lở, chấn thương sưng đau.
Một số bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian
Chữa viêm họng: Rau càng cua 50 – 100g, rửa sạch nhai ngậm, hoặc xay nước uống hàng ngày. Dùng liền 3-5 ngày.
Hỗ trợ chữa đái tháo đường(miệng khát): Rau càng cua 100g rửa sạch bóp giấm (có thể dùng chanh), ếch 1 con (100g), lột da, làm sạch bỏ đầu, lấy thịt tẩm bột, rán chín vàng. Tất cả trộn đều, ăn tuần 2-3 lần.
Chữa thiếu máu: Rau càng cua 100g rửa sạch bóp giấm, thịt bò 100g, cho gia vị vừa đủ xào chín tới trộn đều ăn, nóng với cơm. Một tuần ăn 3 lần.
Chữa tiểu khó, nước tiểu sẻn đỏ: Rau càng cua 150-200g, rửa sạch, cho 300ml nước đun sôi , chia 2 lần uống trong ngày. Uống liền 5 ngày.
Chữa đau lưng cơ co rút (nhiệt độc nhập kinh thận): Rau càng cua sắc uống mỗi ngày 50 – 100g.
Chữa tiễn mé (sưng tấy, chưa vỡ mủ): Rau càng cua 100 – 150g, cho 250ml nước, đun sôi chia 2 lần uống trong ngày. Bã đắp ngoài.
Chữa mụn nhọt lở ngứa do ban nóng: Rau càng cua 150g, rửa sạch ăn sống, hoặc xay nước uống.
Chữa nhiễm trùng đầu ngón tay (chín mé): Rau càng cua 100 – 150g sắc uống trong, bã đắp ngoài.
Chữa ngoài da khô sần, mụn nhọt lở ngứa, vết thương lâu lành: Rau càng cua ăn sống, hoặc xay nước uống, giã đắp ngoài.
Rau càng cua là loại "thuốc biệt dược" trị được rất nhiều bệnh
Một số bệnh thông thường có thể dùng rau càng cua để chữa trị như viêm họng khô cổ khản tiếng dùng 100g rau để nhai, khi nhai nên kèm theo chút muối hoặc giã, xay vắt nước uống. Người bị nóng nhiệt, tiểu gắt, táo bón có thể dùng 100 – 200g rau càng cua nấu nước uống mỗi ngày. Những người bị mụn, ung nhọt dùng lá xay nhuyễn đắp vào rất mau lành. Ngoài ra, các nhà hàng hay dùng rau càng cua bóp giấm trộn với thịt bò hoặc trứng gà có tác dụng thanh nhiệt, chữa chứng thiếu máu.
Lưu ý: Người tỳ vị hư hàn đang tiêu chảy không nên dùng.
Bài viết liên quan
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ
- Thiếu Oxy não là gì?
- Điều nên biết về U xơ tử cung
- Chăm sóc gan và một số điều cần lưu ý
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng thực phẩm
- Viêm khớp ngón tay cái
- Bệnh về gan gây cản trở khả năng đi lại
- Liệu ăn quá nhiều chất xơ có bị co thắt…
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng men vi sinh