Vừa qua, một phụ huynh dã bày tỏ trăn trở về việc có nên cho con biếng ăn uống B1: “Nhím nhà em thuộc loại còi nhất xóm. Con đã 14 tháng mà mới chỉ được hơn 8kg. Vợ chồng em cũng xác định là chỉ cần nuôi con khỏe, con khôn. Không cần Nhím phải quá béo hay bụ bẫm làm gì. Vậy nhưng cân nặng của Nhím bây giờ cũng vẫn thuộc loại “đáng báo động”. Em cũng đã làm đủ mọi cách để khuyến khích con ăn nhưng Nhím rất lười ăn. Cả ngày bé chỉ thích chạy nhảy, hò hét. Cháo với sữa chỉ cần ăn vài thìa “cầm hơi”, hết đói là lại có sức chạy tiếp. Chưa bao giờ em thấy con ăn no được một bữa”
Vị phụ huynh này đang lo lắng chưa biết làm sao thì một người quen mách nhỏ:“Thấy Nhím còi, lại lười ăn, chị hàng xóm mách cho em một cách, đó là cho con uống vitamin B. Chị bảo Vitamin B1 có tác dụng kích thích con thèm ăn. Các bà các mẹ ngày xưa ai cũng cho con uống hết. Thậm chí, để thêm thuyết phục, chị còn trấn an em "B1 là vitamin chứ có phải thuốc đâu mà lo. Chị cũng đang cho con uống".
Ý kiến của các chuyên gia
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho hay: “Nhiều bà mẹ vẫn thường tự tiện dùng thuốc kể cả vitamin B1 mà không theo chỉ định của bác sĩ, cũng không đưa con đi thăm khám để tìm ra nguyên nhân lười ăn. Nguyên nhân biếng ăn có nhiều, có thể do sai lầm về chế độ ăn, có thể do bệnh lý như táo bón, sốt, tiêu chảy… hoặc do tâm lý của phụ huynh…”
Theo bác sĩ Hưng, tâm lý nhiều phụ huynh cứ truyền tai nhau uống B1 là con sẽ ngon ăn. “Với B1 có vai trò chuyển hóa Gluxit giúp kích thích ăn, nhưng không phải bất cứ trẻ nào biếng ăn cứ cho uống B1 là hiệu quả”.
Còn bác sĩ Nguyễn Thị Hoa (Trưởng khoa dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 1) cũng cho rằng: “Nguyên nhân biếng ăn có nhiều, cũng chưa có bằng chứng để nói uống B1 sẽ làm cho bé hết biếng ăn”.
Lời khuyên cho bé biếng ăn
Trẻ biếng ăn, kém hấp thụ có nhiều nguyên nhân khác nhau. Men tiêu hóa cũng không thể tự dùng chung cho các bé mà không có chỉ định của bác sĩ. Mẹ cần đưa con đi khám để biết được cụ thể cháu bị lười ăn do cái gì. Từ đó mới có thể kết luận dùng men tiêu hóa hay dùng thuốc gì khác để hỗ trợ.
Vì vậy, các bác sĩ đưa ra lời khuyên, khi trẻ biếng ăn cần đưa đến cơ sở y tế chuyên khoa dinh dưỡng để thăm khám, nhằm tìm ra nguyên nhân, không tự tiện dùng thuốc kể cả vitamin B1 hay làm theo kinh nghiệm người này người kia mách.
Để cải thiện tình trạng biếng ăn của trẻ có thể tuân thủ nguyên tắc cho con ăn theo giờ cố định. Trước khi ăn, không cho con ăn đồ ngọt hay nước có ga, cần thay đổi món ăn cho phù hợp với khẩu vị. Như vậy mới có thể cải thiện được tình trạng lười ăn của trẻ.
Cho con ăn thực sự là vấn đề khó khăn đối với nhiều gia đình, đặc biệt với những bà mẹ có con lười ăn. Tại nhiều gia đình, ông đẩy xe, bà gõ bát, bố mẹ làm trò nhưng con vẫn không chịu ăn.
Với trẻ biếng ăn, nhẹ cân, suy dinh dưỡng: vấn đề không chỉ là chế độ ăn, bố mẹ cần kiểm tra sức khỏe của cháu để xem có bệnh mãn tính gì không. Với trẻ em, nếu bị bệnh về khoang miệng, răng hay tiêu hóa cũng là tác nhân làm cho cháu không muốn ăn và khả năng hấp thu kém.
Ngoài ra, mẹ đã chăm chỉ đổi món nhưng con vẫn không chịu ăn thì cần xem lại khẩu phẩn ăn, khẩu vị có hợp với cháu không. Với những em bé lười ăn, cần nấu thức ăn loãng và nhừ hơn để cháu nuốt nhanh, không ngậm. Khi cháu chịu ăn nhiều hơn thì có thể tăng độ đặc của thức ăn.
Khi chế biến thức ăn tuân thủ đảm bảo chất dinh dưỡng theo phương pháp tô màu bát bột nhằm kích thích vị giác, thị giác của trẻ.
Phương pháp cho con ăn: Trước bữa ăn, không cho trẻ ăn bánh kẹo hay uống các loại nước có ga, sữa chỉ cho uống vào bữa phụ tránh gây cho trẻ bị no bụng.
Về dùng thuốc, nếu trẻ lười ăn không phải do bệnh tật gì thì không nên dùng thuốc. Điều quan trọng là bố mẹ kiên trì cho con ăn đầy đủ. Nếu dùng thuốc có thể khiến trẻ bị phụ thuộc dẫn đến khi không uống thuốc sẽ không chịu ăn.
Bài viết liên quan
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ
- Thiếu Oxy não là gì?
- Điều nên biết về U xơ tử cung
- Chăm sóc gan và một số điều cần lưu ý
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng thực phẩm
- Viêm khớp ngón tay cái
- Bệnh về gan gây cản trở khả năng đi lại
- Liệu ăn quá nhiều chất xơ có bị co thắt…
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng men vi sinh