Nhiều chị em trong thời kỳ mang thai luôn nghĩ rằng nhân sâm sẽ giúp thai nhi khỏe mạnh, thông minh… do đó nhiều bà bầu sẵn sàng bỏ ra hàng triệu đồng để mua loại “thần dược” này về bồi bổ cho em bé từ khi còn trong bào thai. Nhưng liệu việc làm này có đúng hay không?
Tác dụng của nhân sâm
Nhân sâm, dược liệu quý giá của y học cổ truyền châu Á, hiện bắt đầu được Tây y nghiên cứu. Nhân sâm đã tỏ rõ giá trị trong nhiều loại bệnh lý: có khả năng làm giảm huyết áp, làm hạ đường huyết trong bệnh tiểu đường, làm giảm một số triệu chứng trong bệnh tim mạch, nâng cao sức đề kháng trong một số trường hợp ung thư, cải thiện một số triệu chứng tâm thần kinh, cải thiện chức năng một số cơ quan trong cơ thể… Tuy nhiên, cho đến nay, những bằng chứng về các tác dụng này vẫn còn chưa rõ ràng.
Nhân sâm rất tốt cho sức khỏe nhưng đối với phụ nữ mang thai nên cẩn trọng khi dùng nhân sâm
Tính an toàn và hiệu quả của nhân sâm trong các trường hợp bệnh lý vẫn cần được nghiên cứu rõ ràng bằng các nghiên cứu trên động vật và trên con người. Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) vẫn chưa công nhận nhân sâm là dược phẩm có tác dụng hiệu quả trên người.
Trong lĩnh vực sản khoa, người ta ghi nhận, có một số khá đáng kể các thai phụ người Hoa sử dụng nhân sâm (có thể đạt khoảng 10%). Tuy nhiên, một nghiên cứu công bố năm 2003 của một đại học ở Hong Kong cho thấy việc sử dụng ginsenoside Rb1, một trong những thành phần của nhân sâm, có thể gây dị tật trên phôi thai chuột.
Khi sử dụng ginsenoside Rb1 với nồng độ 30 microgram trên phôi thai chuột 9 ngày tuổi, xuất hiện những bất thường ở tim, chi và sự phát triển cũng như cử động của phôi thai chuột; với liều 50 microgram, khả năng này còn cao hơn và xuất hiện thêm bất thường chiều cao và phát triển tế bào cơ.
Nghiên cứu này cho thấy nhân sâm có tác dụng gây quái thai trên chuột, do đó nên thận trọng khi sử dụng trên người, đặc biệt là những tháng đầu của thai kỳ. Người ta cũng quan sát thấy sự gia tăng khả năng tử vong nhũ nhi khi người mẹ dùng nhân sâm trong giai đoạn cho con bú.
Đông Y cho rằng khi người phụ nữ mang thai thì sẽ mất kinh nguyệt, máu của kinh lạc, phủ tạng sẽ đều được tập trung vào việc nuôi dưỡng thai nhi, toàn bộ cơ thể người mẹ sẽ ở vào tình trạng âm huyết suy, dương khí thịnh. Y học thời cổ đại đã khái quát toàn bộ quá trình biến hóa sinh lý chủ yếu ở người phụ nữ khi mang thai như sau: ” Dương thường hữu dư, âm thường bất túc” (ý: dương thịnh âm suy); “khí thường hữu dư, huyết thường bất túc” (ý: thừa khí nhưng thiếu máu), vì thế rất dễ xuất hiện tình trạng “thai hỏa”.
Phụ nữ mang thai khi sử dụng nhiều nhân sâm sẽ dẫn đến hiện tượng nôn mửa, phù nước và huyết áp tăng
Nhân sâm thuộc loại nguyên khí đại bổ, vì thế sau khi mang thai không lâu, nếu người mẹ uống hoặc dùng chúng quá nhiều thì có thể khiến cho khí thịnh còn âm hoa tổn, âm mà suy thì hỏa vượng, đó chính là ” khí hữu dư, tiện thị hỏa” (ý nói: khí thừa nhiều sẽ chuyển thành hỏa).
Một bác sỹ ở Mỹ đã từng tiến hành quan sát hơn 100 người dùng nhân sâm một tháng trở lên và đã phát hiện ra rằng họ thường có những phản ứng không tốt như: hưng phấn kích động, mất ngủ, họng khô, đau rát, cảm xúc bị kích động, huyết áp tăng cao… và ông đã gọi hiện tượng này là ” các triệu chứng tổng hợp khi sử dụng nhân sâm”. Theo Đông y thì những phản ứng không tốt trên đều là phản ánh của hiện tượng “âm suy hỏa vượng”.
Nhân sâm có tác dụng giống oestrogen, do đó, trên một số người có nguy cơ cao với ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung, nhân sâm có thể gây hại nhiều hơn là có lợi, cũng như rõ ràng có khả năng thúc đẩy quá trình bệnh lý các trường hợp ung thư này.
Theo nhiều ghi chép thì khi cơ thể người nhận quá 100g nhân sâm thì sẽ có hưng phấn. Nếu dùng quá 200g thì sẽ xuất hiện các hiện tượng trúng độc như toàn thân nổi ban, ngứa ngáy, chóng mặt, đầu óc quay cuồng, nhiệt độ cơ thể tăng, xuất huyết… Ngoài ra nếu dùng nhân sâm trong thời gian dài thì sẽ bị bí tiểu, từ đó dẫn đến phù nước.
Nhân sâm đối với phụ nữ mang thai
Nếu người đang mang thai sử dụng nhiều nhân sâm thì sẽ xuất hiện các hiện tượng như nôn mửa, phù nước, huyết áp tăng… thậm chí xuất huyết âm đạo và có thể dẫn đến sảy thai.
Thai phụ cần làm gì?
Tốt nhất với thai phụ trong 3 tháng đầu không nên sử dụng nhân sâm đến tránh những biến chứng như nôn mửa, xuất huyết, sảy thai…
Trong giai đoạn giữa thai kỳ thai phụ có thể sử dụng nhân sâm nhưng cần xin ý kiến của bác sỹ, sử dụng với liều lượng ít (không quá 100g) và sử dụng trong thời gian ngắn, không sử dụng liên tục.
Nếu trong quá trình sử dụng nhân sâm thấy xuất hiện bất kỳ triệu chứng gì như chóng mặt, đau đầu, phù nước nặng hơn, nôn mửa, đặc biệt là xuất huyết thì cần dừng ngay lại và báo cho bác sỹ
Bài viết liên quan
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ
- Thiếu Oxy não là gì?
- Điều nên biết về U xơ tử cung
- Chăm sóc gan và một số điều cần lưu ý
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng thực phẩm
- Viêm khớp ngón tay cái
- Bệnh về gan gây cản trở khả năng đi lại
- Liệu ăn quá nhiều chất xơ có bị co thắt…
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng men vi sinh