Đau bụng ở trẻ tưởng chừng như rất bình thường nhưng đôi khi lại là dấu hiệu của bệnh lý. Nếu cha mẹ không thường xuyên để ý và hỏi han bé, cũng như đưa bé đi khám thì có thể sẽ nguy hiểm đến tính mạng của bé. Vậy cần xử lý như thế nào khi trẻ bị đau bụng?
Tin tốt là hầu hết trẻ đều hết bị đau bụng từ 4 tháng tuổi nhưng tin xấu là các triệu chứng đau bụng khiến bé trở nên khó chịu và quấy khóc suốt ngày
Tiếng khóc do bé bị đau bụng khiến những người lớn nghe thấy không cách gì lơ đi được, như đặt họ vào tình trạng báo động đỏ. Bé bị đau bụng có thể cuộn chặt lại như một quả banh hoặc uốn cong lưng, đưa đầu về phía sau. Bụng của bé có thể như căng ra hoặc sưng phồng, nhiệt cơ thể có thể lộn xộn. Bạn hãy thử hình dung giống như cảm giác của bạn khi ăn không tiêu thì khó chịu đến thế nào. Nếu nghi ngờ bé khóc vì đau bụng, mẹ có thể tìm hiểu một số nguyên nhân gây nên tình trạng này và thực hiện những điều sau đây để giúp bé dễ chịu hơn.
Một số nguyên nhân chính gây đau bụng ở bé
Đau bụng cấp tính: bé thường quằn quại, khóc thét, mặt tái xanh, vã mồ hôi. Vì vậy, người nhà cần bình tĩnh để nghe bác sĩ hỏi bệnh và thăm khám cho bé một cách thuận lợi.
Viêm ruột thừa: Một trong những bệnh đau bụng cấp tính ở bé hay gặp nhất là viêm ruột thừa. Viêm ruột thừa ở bé trên 2 tuổi cũng có những dấu hiệu tương tự như người lớn.
Ví dụ như: đau ở hố chậu phải (lúc đầu đau nhẹ, sau đó đau tăng lên), đau liên tục, kèm theo đau thường có buồn nôn, nôn, sốt nhẹ (khoảng 37-38ºC).
Khi khám, bé kêu đau và gạt tay bác sĩ không cho sờ vào vùng hố chậu phải hoặc vùng bụng. Đặc biệt điểm ruột thừa rất đau (điểm Mac Burney).
Với bé dưới 2 tuổi thường chẩn đoán viêm ruột thừa khó hơn nên phát hiện cũng sẽ chậm hơn (vì các triệu chứng không điển hình như bé lớn hoặc người trưởng thành); do đó, rất dễ gây biến chứng như thủng ruột thừa, viêm phúc mạc (viêm màng bụng) để lại hậu quả rất nặng nề.
Các triệu chứng thường gặp ở bé dưới 2 tuổi bị viêm ruột thừa là: có sốt nhẹ, nôn, trớ hay quấy khóc, trông bộ mặt lờ đờ, xanh tái.
Đầy hơi chướng bụng, khi sờ vào bụng, bé khóc thét là có nguy cơ vỡ ruột thừa gây viêm phúc mạc. Một điều mà các nhà ngoại khoa cũng nhắc nhở là đau bụng do viêm ruột thừa ở bé lúc đầu có thể là đau ở vùng thượng vị, vùng quanh rốn, sau đó mới khu trú ở hố chậu phải.
Lồng ruột: là một bệnh cấp tính thường hay gặp ở bé bụ bẫm, bé trai nhiều hơn bé gái, từ 3 tháng đến 2 tuổi, đặc biệt là bé từ 6–9 tháng tuổi. Triệu chứng chính của lồng ruột là: bé đau bụng, nôn, đi ngoài ra máu.
Khám có thể thấy búi lồng ruột, thăm trực tràng có thể thấy máu dính theo găng tay.
Đau bụng ở bé cũng rất hay gặp trong trường hợp giun chui ống mật (GCOM) ở bé có giun ở đường tiêu hoá đặc biệt là sau tẩy giun (nhất là tẩy giun không đủ liều lượng).
Cơn đau khiến bé lăn lộn, khóc thét, vã mồ hôi và chổng mông. GCOM có thể gây nên áp-xe gan, sỏi đường dẫn mật, tắc đường mật.
Đau bụng ở bé trong dạng cấp cứu còn có thể do thoát vị bị nghẽn. Trong trường hợp này nếu không phát hiện kịp thời thì rất có thể làm đoạn ruột nghẽn bị hoại tử. Thoát vị nghẽn ngoài cơn đau bụng cũng có thể xuất hiện nôn, bí trung và đại tiện.
Tắc ruột do lồng ruột: Đau bụng ở bé còn có thể do tắc ruột với các lý do khác nhau. Triệu chứng gặp là: nôn ra thức ăn, có mật xanh, mật vàng, bụng chướng. Nếu bị tắc ruột ở thấp thì bụng chướng càng nhiều.
Ngộ độc thức ăn: là một loại bệnh cấp cứu. Ngộ độc thức ăn có thể do vi sinh vật hoặc do hoá chất. Ngộ độc thức ăn do vi khuẩn thường có sốt, đau quặn bụng, đi lỏng nhiều lần có khi phân có máu hoặc nhờ nhờ như máu cá (trường hợp ngộ độc thức ăn do vi khuẩn shigella).
Đau bụng giun ở bé: cũng là loại hay gặp. Đau bụng giun thường tái đi tái lại nhiều lần, đau bụng quanh rốn, đặc biệt xét nghiệm phân tìm trứng giun thấy có trứng giun. Trong một số trường hợp nhiều giun đũa thì siêu âm có thể phát hiện thấy hình ảnh của giun đũa.
Bé cũng có thể bị sỏi đường tiết niệu gây đau bụng: có khi rất dữ dội, tuy nhiên, tỷ lệ bé bị sỏi đường tiết niệu không nhiều.
Ngoài sỏi tiết niệu, bé cũng có thể đau bụng do viêm đường tiết niệu, bé gái bị viêm đường tiết niệu nhiều hơn bé trai gây nên cơn đau bụng dưới.
Xử trí khi bé đau bụng
Bố mẹ, ông bà, thầy cô giáo khi thấy bé kêu đau bụng (bé lớn) hoặc có rối loạn tiêu hoá như: nôn, trớ, đầy bụng, chướng hơi, lười ăn hoặc không chịu ăn, hay khóc thét hoặc đi ngoài ra máu, đi tiểu khó, tiểu dắt, tiểu đau (tiểu buốt)…
Cần nhanh chóng đưa cháu đi khám ở cơ sở y tế nơi gần nhất, không nên chần chừ, không nên chủ quan hoặc không nên xem thường cho là bé giả vờ.
Khi chưa được khám và chưa có ý kiến của bác sĩ thì chưa nên dùng bất cứ một loại thuốc gì dù là thuốc Tây hoặc thuốc Nam.
Nếu cho bé dùng thuốc trước khi đi khám thì sẽ làm lu mờ các triệu chứng đau bụng của bé, đặc biệt là đối với các trường hợp đau bụng cần cấp cứu ngoại khoa như: tắc, lồng ruột, viêm ruột thừa, thoát vị nghẽn…
Khi đã được khám và được chỉ định điều trị của bác sĩ thì nên tuyệt đối tuân thủ. Nên cho bé đi khám bệnh định kỳ để phát hiện bệnh của bé như: viêm tiết niệu, nhiễm giun.
Nếu bé đau bụng và quấy khóc
Thay đổi khẩu phần ăn (thay đổi công thức, lịch trình cho bé bú, các lượng thức ăn khác nhau).
Dùng các loại trà làm bằng hoa cúc và hương chanh, an toàn và giúp làm dịu bé.
Thay bình sữa: thử đổi kiểu bình sữa khác có núm vú nghiêng để ngăn không khí hút vào quá mức khi cho bé bú.
Mát-xa bụng và lưng nhẹ nhàng có thể làm đỡ các cơn đau do đầy hơi và giúp bé ợ giữa các lần bú.
Thay đổi khẩu phần ăn của người mẹ đang cho con bú: tránh các loại thuộc họ cải bắp và hành.
Việc cho bé bú phải thực hiện từ tốn, không được vội vã. Bạn cần sắp xếp để dành thời gian thật nhiều khi cho bé bú và giúp bé ợ.
Giảm kích thích. Những tiếng ồn lớn, ánh sáng quá sáng và việc thay đổi thường xuyên có thể tăng stress cho trẻ sơ sinh (và cả cha mẹ bé!). Bạn cần giảm ánh sáng cho dịu nhẹ và giữ nhà cửa được yên ắng trong lúc ngủ, tắm và cho bé bú. Một em bé yếu ớt thường gặp nhiều vấn đề hơn khi ngủ, thế nên bạn hãy thử trình tự công việc buổi chiều cho bé là: tắm nước ấm, mát-xa và một căn phòng tối yên tĩnh.
Cho bé ợ thường xuyên. Đừng bỏ qua phần quan trọng này khi cho bé bú! Hãy chum lòng bàn tay lại như hình chiếc tách rồi vỗ nhẹ vào lưng bé, từ lưng dưới lên trên để giúp không khí thoát ra khỏi dạ dày bé.
Các giải pháp vi lượng đồng cân. Một vài bậc cha mẹ hoàn toàn thành công với phép chữa vi lượng đồng cân trong khi những người khác cho biết không thấy sự khác biệt. Dù sao cũng đáng để bạn thử.
Người mẹ luôn cần sắp xếp để dành thời gian thật nhiều khi cho bé bú và đừng quên giúp bé ợ sau đó.
Làm gì khi bé khóc?
Bạn không cần phải luôn bồng ẵm khi bé đang khóc. Nghiên cứu cho thấy các bé thường khóc nhiều hơn khi cha mẹ bé lo lắng, và các bé nằm trong giường cũi một mình biết học cách tự dỗ bản thân dễ dàng hơn những bé thường được ẵm.
Nếu bạn thấy bị quá áp lực, hãy đặt bé vào giường cũi và nghỉ ngơi trong một căn phòng yên tĩnh hơn. Hãy thư giãn bằng cách nghe nhạc nhẹ nhàng hoặc đọc những sách hay tạp chí nào giúp bạn thấy thanh thản.
Bậc cha mẹ khi đang bị áp lực bởi tiếng khóc thét của bé thường dễ có xu hướng làm đau bé bằng việc lắc hoặc đánh để bé nín khóc. Nếu bạn thấy căng thẳng quá mức, hãy đặt bé vào giường và gọi ai đó chẳng hạn như mẹ bạn, cha bé, một người bạn hoặc người hàng xóm, để được giúp đỡ. Khi có người giúp giữ bé khẩn cấp dù chỉ là nửa tiếng, sẽ giúp bạn tự chủ lại bản thân.
Nhận ra rằng bé đau bụng không phải là lỗi của bạn. Việc bạn cảm thấy tội lỗi khi bé yêu của bạn không nguôi được là điều hết sức bình thường, nhưng bạn cần nhận thức rằng bị đau bụng là một “điều bình thường” trong giai đoạn phát triển của các bé.
Bài viết liên quan
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ
- Thiếu Oxy não là gì?
- Điều nên biết về U xơ tử cung
- Chăm sóc gan và một số điều cần lưu ý
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng thực phẩm
- Viêm khớp ngón tay cái
- Bệnh về gan gây cản trở khả năng đi lại
- Liệu ăn quá nhiều chất xơ có bị co thắt…
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng men vi sinh