Quả sơn tra còn có tên gọi khác là quả bắc sơn tra, nam sơn tra, dã sơn tra, sơn lý hồng, hồng quả, yên chi…Theo Đông Y, quả sơn tra có tác dụng hóa thực tiêu ích, trị đau bụng, tiêu chảy, mỡ máu, tăng huyết áp…
Bắc sơn tra là một loại cây cao 6m, cành nhỏ thường có gai. Lá dài 5-10cm. Rộng 4-7cm, có 3-5 thuỳ, mép có răng cưa, mặt dưới dọc theo các gân có lông mịn, cuống lá dài 2-6cm. Hoa mẫu 5, hợp thành tán. Đài có lông mịn, cánh hoa màu trắng, 10 nhị. Quả hình cầu, đường kính 1-1m5cm, khi chín có màu đỏ thắm.
Cây nam sơn tra hay dã sơn tra cao 15m, có gai nhỏ 5-8mm. Lá dài 2-6cm. Rộng 1-4,5cm, có 3-7 thuỳ , mặt dưới lúc đầu có lông, sau nhẵn. Hoa mẫu 5, hợp thành tán. Cánh hoa trắng, 20 nhị. Quả hình cầu đường kính 1-1,2cm, chín có màu vàng hay đỏ.
Ở Việt Nam hiện nay đang khai thác với tên sơn tra hay chua chát, quả của hai loại cây khác nhau.
Cây chua chát, còn gọi la cây sán sá (Tầy) có tên khoa học là Malus doumeri (Bois) Chev, thuộc họ Hoa hồng Rosaceae. Cây này cao 10-15m, cây non có gai. Lá nguyên hình bầu dục dài 6-15cm, rộng 3-6cm, mép khứa răng cưa. Hoa hợp thành tán từ 3-5 hoa. Hoa mẫu 5, cánh màu trắng. Quả tròn hơi dẹt, khi chín ngả màu vàng lục, đường kính 5-6cm, cao 4-5cm, vị hơi chua hơi chát. Mùa hoa tháng 1-2, mùa quả tháng 9-10, cây này thường được khai thác ở Cao Bằng, Lạng Sơn. Nhân dân ở đay cũng bán sang Trung Quốc với tên sơn tra.
Cây táo mèo, còn gọi là chi tô di (Mèo) có tên khoa học Docynia indica (Mall.) Dec. cùng thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae). Cây nhỡ cao 5-6m, cây non cành có gai. Lá đa dạng, ở cây non lá mọc so le, xẻ 3-5 thuỳ, mép có răng cưa không đều. Ở thời kỳ cây trưởng thành lá hình bầu dục dài 6-10cm, rộng 2-4cm, mép nguyên hoặc hơi khía răng. Hoa họp từ 1-3 hoa, mẫu 5, cánh hoa màu trắng. Nhị 30-50. Quả hình cầu thuôn, đường kính 3-4cm, khi chín màu vàng lục, có vị chua hơi chát. Mùa hoa tháng 3, mùa quả tháng 9-10. Táo mèo mọc hoang và được trồng ở Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, Lào Cai độ cao trên 1000m. Ngoài ra còn cây Docynia delavayi (Fanch.) Schneid mùa hoa tháng 3 mùa quả tháng 6-7. Lá cây này cứng hơn cây trên, mặt dưới lá có lông cũng dày hơn. Quả cũng tương tự nhưng có cuống dài hơn. Cũng được thu mua với tên táo mèo hay sơn tra.
Trước đây sơn tra hoàn toàn nhập của Trung Quốc. Những năm gần đây ta đã thu mua táo mèo và chua chát dùng với tên sơn tra. Nhưng ta thấy hai cây này đều khác chi sơn tra thất do đó cần nghiên cứu so sánh việc sử dụng. Điều chú ý là một số tỉnh Hoa Nam Trung Quốc cũng nhập của ta những quả này với tên sơn tra. Nói chung quả chua chát và quả táo mèo của ta có đường kính lớn hơn sơn tra, khi chín sơn tra thật có màu đỏ mận hay đỏ tươi.
Quả sơn tra hay chua chát, táo mèo chín được hái về thái ngang hay bổ dọc, phơi hay sấy khô.
Sơn tra chứa fructose, protein, lipid, vitamin C, B2, caroten; Ca, P, Fe, các acid tarlaric, citric,… có tác dụng hạ huyết áp, giảm nồng độ mỡ máu; lợi niệu, kháng khuẩn trợ tiêu hóa, chống u bướu, trợ tim. Sơn tra vị chua ngọt, tính hơi ôn; vào kinh tỳ, vị và can. Có tác dụng hóa thực tiêu tích, thu liễm chỉ tả, hành khí tán hàn. Dùng cho các trường hợp đầy bụng không tiêu, đau bụng tiêu chảy, mỡ máu, tăng huyết áp…
Hiện nay đông y và tây y dùng sơn tra với hai mục đích khác nhau.
Tây y coi sơn tra (hoa, quả, lá) là một vị thuốc chủ yếu tác dụng lên hệ tuần hoàn (tim và mạch màu) và giảm đau an thần.
Đông y lại coi sơn tra có vị chua, ngọt tính ôn vào ba kinh tỳ, vị và can, tiêu được các thứ thịt tích trong bụng. Tuy nhiên trong các tài liệu cổ, ghi về sơn tra còn nói thêm là sơn tra phá được khí, hành ứ hoá đờm rãi, giải độc được cá, lở sơn, chữa tả lỵ, trị tích khối, huyết khối, giảm đau, đồng thời ghi chú rằng ” Ăn nhiều sơn tra thì hao khí hại răng, những người gầy còm, có chứng hư chớ ăn…”
Liều dùng trong đông y: Ngày uống 3-10g dưới dạng thuốc sắc, uống một vị hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.
Tây y dùng dưới dạng cao lỏng (ngày uống 3 đên 4 lần trước bữa ăn, mỗi lần 20-30 giọt) hoặc cồn thuốc (ngày uống 3-4 lần, mỗi lần 20-30 giọt) để chữa các bệnh về tim mạch, cao huyết áp, giảm đau.
Cách dùng sơn tra làm thuốc:
Bài 1: Vân khí tán: sơn tra, thanh bì, mộc hương liều lượng bằng nhau, nghiền bột. Mỗi lần uống 4g, ngày 2 lần, chiêu với nước sôi. Dùng khi thức ăn thực tích trệ, không tiêu, bụng trướng đầy.
Bài 2: sơn tra sống 20g, mầm mạch sao 20g. Sắc uống. Trị tiêu hóa không tốt, nôn oẹ.
Bài 3: sơn tra 60g, đường trắng 20g, đường đỏ 20g, chè vụn 6g. Lấy sơn tra sắc lấy nước, thêm đường và chè hãm trong nửa giờ uống. Trị lỵ thời kỳ đầu.
Bài 4: Cháo sơn tra thần khúc: sơn tra 30g, thần khúc 15g, gạo tẻ 100g, đường trắng 8g. Sắc sơn tra, thần khúc lấy nước bỏ bã; gạo nấu cháo; khi được cháo cho nước thuốc vào đun sôi, thêm đường khuấy tan đều. Dùng cho các trường hợp ăn kém chậm tiêu.
Ngoài ra, sơn tra còn được dùng chữa đau khớp, chảy máu chân răng, sản phụ sau đẻ đau bụng.
Rượu sơn tra long nhãn đại táo: sơn tra 250g, long nhãn 250g, đại táo 30g, đường hoa mai 30g, rượu 1 lít. Đem ngâm 10 – 20 ngày, uống trước khi đi ngủ 30 – 60ml. Dùng cho các trường hợp viêm khớp, đau nhức khớp.
Chè sơn tra hạt dẻ: sơn tra 125g, hạt dẻ 30g, cho nước nấu chín nhừ, cho thêm ít đường khuấy tan. Cho ăn thay bữa điểm tâm sáng. Dùng cho các bệnh nhân chảy máu chân răng do thiếu sinh tố C…
Nước sắc sơn tra đường phèn: đem sơn tra sắc hãm lấy nước, cho thêm đường khuấy đều cho uống. Dùng cho sản phụ sau đẻ tử cung co hồi chậm, đau bụng.
Kiêng kỵ: Ăn nhiều sơn tra làm hao khí hại răng. Người tỳ vị hư nhược không tích trệ; người đa toan dịch vị, người viêm loét dạ dày không nên dùng.
Bài viết liên quan
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ
- Thiếu Oxy não là gì?
- Điều nên biết về U xơ tử cung
- Chăm sóc gan và một số điều cần lưu ý
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng thực phẩm
- Viêm khớp ngón tay cái
- Bệnh về gan gây cản trở khả năng đi lại
- Liệu ăn quá nhiều chất xơ có bị co thắt…
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng men vi sinh