HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN: 1900545562 (Từ: 8:00 - 17:00)

    Kiến thức giới tính

    Chương 12 : Sự Thụ Thai, Mang Thai, và Sinh Nở

    Việc mang thai và sinh nở khỏe mạnh là một điều rất bình thường ngày nay, nó khiến cho hầu hết người dân coi đó là chuyện đương nhiên.

     Thực Tế Về Hoạt Động Tình Dục Ở Con Người

    Tác giả : Bác Sĩ George D. Zgourides, Thạc Sĩ Christie S. Zgourides.

    Dịch viên: Nguyễn Hồng Trang 

     CHƯƠNG 12 : SỰ THỤ THAI, MANG THAI, VÀ SINH NỞ 

    Hiện nay, đa phần những người sắp làm mẹ thường mang thai bình thường trong 9 tháng và sau đó trải qua một cơn đau đẻ không mấy phức tạp rồi sinh ra một đứa trẻ khỏe mạnh. Điều này không nói lên rằng các vấn đề rắc rối không thể, hoặc không nảy sinh. Ngày nay, mang thai đến kỳ sinh nở an toàn hơn ngày xưa rất nhiều nhờ vào sự tiến bộ vượt bậc của khoa học cũng như thuốc men. Cách đây không quá lâu, vào khoảng năm 1900, nhiều phụ nữ mang thai đã phải trải qua cảnh xảy thai, sinh thai chết, đẻ non hoặc thậm chí việc tử vong cùng trẻ sơ sinh.

    Chương này tập trung vào việc làm sao để sinh ra một đứa trẻ khỏe mạnh – từ khi thụ thai, mang bầu, đến khi sinh và nuôi con bằng sữa. Quyết định thụ thai và mang bầu đến khi sinh nở là một quyết định quan trọng. Nó cũng có thể đưa một người đến một trong những những trải nghiệm mãn nguyện nhất của cuộc sống, đó là sinh và nuôi dưỡng một đứa trẻ.

    CHUẨN BỊ CHO VIỆC THỤ THAI VÀ MANG BẦU

    Để có một đứa trẻ khỏe mạnh cần phải lên kế hoạch cẩn thận cho cơ thể người phụ nữ, sẵn sàng chuẩn bị một môi trường thích hợp cho sự phát triển trước khi sinh, hay còn gọi là sự phát triển của phôi và bào thai trước khi sinh. Mặc dù không phải lúc nào cũng thiết thực, nhưng thời gian tốt nhất để lên kế hoạch bắt đầu mang thai ít nhất phải là vài tháng, nếu không muốn nói là hàng năm, trước khi thụ thai. Một chế độ ăn uống cân bằng, dừng việc hút thuốc lá, kiêng rượu và thuốc, kiểm tra sức khỏe đều đặn để phát hiện xem có gì bất thường không là những việc làm rất quan trọng đối với sức khỏe của mẹ và bé. Người sắp làm bố cũng cần phải theo dõi hành vi, lối sống của mình, đặc biệt chú ý tránh sử dụng thuốc và rượu cồn để đề phòng việc gây tổn hại đến tinh trùng.

    Để nâng cao cơ hội thụ thai, việc giao hợp nên diễn ra gần thời điểm rụng trứng, khi một trong hai buồng trứng của người phụ nữ giải phóng trứng. Trứng này thường có khả năng thụ tinh chỉ trong vòng tư 12 đến 24 tiếng sau khi được giải phóng khỏi buồng trứng. Một số phụ nữ xác định được thời gian rụng trứng bằng cách theo dõi biểu đồ nhiệt độ cơ thể cơ bản. Đây là một quá trình đòi hỏi người phụ nữ phải đo nhiệt độ bằng miệng hàng sáng ngay sau khi thức dậy và vẽ đồ thị kết quả. Nhiệt độ trước khi rụng trứng giữ ở mức bất biến, không đổi, tuy nhiên nó có thể giảm nhẹ xuống dưới mức nhiệt độ cơ thể bình thường (98.60F). Nhìn chung, nhiệt độ cơ thể của phụ nữ giảm vào ngày rụng trứng, tăng mạnh (từ khoảng 0,400 đến l,00F) vào ngày tiếp theo, và giữ ở mức đó cho đến trước ngày hành kinh. Theo dõi biểu đồ nhiệt độ cơ thể cơ bản liên tục ở một vài chu kỳ giúp cho người phụ nữ có thể biết được khá chính xác ngày rụng trứng của mình.

    Suy Nghĩ Cá Nhân : Bạn nghĩ gì về cách theo dõi nhiệt độ cơ thể cơ bản? Bạn nghĩ tốn thời gian vào cách đó có đáng không? Tại sao có hoặc tại sao không?

    Sự thụ thai xuất hiện khi tinh trùng của nam giới kết hợp với trứng của phụ nữ, thường là sau khi nam giới xuất tinh vào trong âm đạo của phụ nữ khi quan hệ tình dục. Số lượng tinh trùng của nam giới càng lớn thì khả năng một tinh trùng xâm nhập được vào trong trứng là càng cao. Để tích tụ lượng tinh trùng của nam giới, nhiều cặp vợ chồng đã nhịn không quan hệ tình dục vài ngày trước ngày có ý định thụ thai. Tư thế “nhà truyền giáo” (nam giới ở trên) có lẽ là tư thế tốt nhất đối với việc thụ thai vì nó cho phép tinh dịch của nam giới dễ dàng tập trung lại và di chuyển vào âm đạo, tử cung và vòi fallope. Phụ nữ nên tránh thụt rửa, dùng chất bôi trơn, và các loại thuốc khi hai người đang cố gắng thụ thai, vì những thứ này có thể tiêu diệt tinh trùng. Tuy nhiên, cần chú ý rằng việc thụ thai có thể và thực tế là vẫn xảy ra với bất kể tư thế quan hệ tình dục nào, và ngay cả khi người phụ nữ thụt rửa… Hai vợ chồng không bao giờ nên chỉ dựa vào tư thế, sự thụt rửa, chất bôi trơn hay các loại thuốc (trừ những loại được chỉ định dùng như thuốc tránh thai) để phòng tránh thai.

    Sự lựa chọn giới tính trước

    Một câu hỏi mà các ông bố bà mẹ trong tương lai thường hỏi là “Liệu chúng tôi có thể lựa chọn giới tính cho con của mình không?” Trên thực tế, tỷ lệ đó có thể bị ảnh hưởng, ít nhất là theo những người đề xuất việc lựa chọn giới tính trước. Vì tinh trùng mang nhiễm sắc thể Y là tinh trùng tạo ra nam giới, đối với những cặp vợ chồng mong muốn có con trai, nên quan điểm được đưa ra là phải làm tăng cơ hội cho tinh trùng mang nhiễm sắc thể Y kết hợp với trứng hơn sắc thể X. Một số trình tự tách tinh trùng có thể giúp thực hiện quan điểm này. Hai vợ chồng tăng cơ hội có con trai bằng cách thụ tinh nhân tạo, dùng tinh trùng mang nhiễm sắc thể Y, đã được tách ra trong ống nghiệm. Tỷ lệ thành công của kỹ thuật tách tinh trùng theo báo cáo đạt từ 70 đến 85%.

    Suy Nghĩ Cá Nhân : Bạn đã bao giờ từng xem xét đến việc lựa chọn giới tính cho con của mình chưa? Tại sao có, tại sao không? Quyết định của bạn có phải là vấn đề liên quan đến đạo đức, tài chính hay bất kỳ điều gì khác không?

    mang thai em bé

    CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CỦA THAI NGHÉN VÀ BÀO THAI

    Kỳ thai nghén đủ tháng, hay giai đoạn thai nghén mà người phụ nữ mang bào thai trong tử cung, trung bình là 266 ngày kể từ ngày thụ thai, hay 280 ngày kể từ kỳ kinh cuối cùng cho đến khi sinh. 280 ngày này được chia thành 10 tháng âm lịch gồm bốn tuần một tháng, một tháng có 28 ngày, tương đương với hơn 9 tháng dương lịch. 9 tháng này cũng được chia thành 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn gồm 3 tháng, được gọi là qúy.

    Để ước tính ngày sinh, phụ nữ cộng 280 ngày vào ngày bắt đầu kỳ kinh cuối cùng của mình hoặc có thể sử dụng quy tắc Nagele, cộng 7 ngày vào ngày bắt đầu kỳ kinh cuối cùng rồi trừ đi 3 tháng và cuối cùng cộng thêm một năm. Mặc dù có một số bé được sinh ra đúng như theo cách tính, nhưng hầu hết đều xê dịch trong khoảng 10 ngày trước hoặc sau ngày tính. Phụ nữ trung bình thường rụng trứng vào hoặc vào khoảng ngày thứ 14 trước kỳ kinh tiếp theo của mình. Trứng rụng này sau đó đi vào vòi fallope gần đấy. Tinh trùng thường đi tới trứng ở phần vòi fallope gần buồng trứng nhất trong vòng từ 60 đến 90 phút sau khi xuất tinh. Ty thể ở giữa tinh trùng khiến cho đuôi của tinh trùng có thể quất. Sự quất bằng roi này đẩy tinh trùng đi qua âm đạo của phụ nữ vào trong tử cung và các vòi ống. Trung bình có khoảng 200 đến 500 triệu con tinh trùng hiện diện trong mỗi lần xuất tinh, tuy nhiên chỉ có khoảng 2.000 con đến được vòi fallope có chứa trứng. Có lẽ chỉ còn khoảng vài chục con sẽ thực sự gặp trứng. Những con khác đến nhầm vòi, bị giết chết bởi môi trường axít trong âm đạo, hoặc chúng bị chảy ra ngoài do trọng lực.

    Khi tinh trùng bơi qua âm đạo và vòi fallope, chúng trải qua những thay đổi do có sự xuất hiện của những hóa chất khác nhau trong các cơ quan sinh sản của phụ nữ. Quá trình làm cho có đủ khả năng này khiến cho tinh trùng có thể thụ tinh trứng. Trong số tất cả những tinh trùng được xuất ra, chỉ có một con duy nhất có thể thâm nhập và thụ tinh cho trứng. Những con khác bao vây quanh trứng và tiết ra chất en-zim, hyaluronidase, chất này làm mềm vỏ ngoài mỏng và sền sệt bao quanh trứng, vùng thấu quang, và giúp một con tinh trùng thâm nhập vào trong trứng. Một khi đã có tinh trùng xâm nhập được vào trong trứng, màng ngoài của trứng trở nên dày và dai hơn, ngăn không cho con tinh trùng nào khác thâm nhập được vào trong trứng.

    Thụ tinh và Ghép cấy

    Thụ tinh – sự kết hợp giữa tinh trùng và trứng – thường xảy ra ở trong vòi fallope. Thai mới hình thành, hay hợp tử, sau đó sẽ di chuyển xuống vòi fallope và bám vào thành tử cung. Nếu sự thụ thai không xảy ra, trứng sẽ phân hủy trong khoảng 48 giờ đồng hồ. Trong suốt quá trình thụ tinh, nhân ở đầu tinh trùng kết hợp với nhân của trứng. Thậm chí ở giai đoạn đầu tiên này, sự có mặt hoặc vắng mặt của nhiễm sắc thể Y đã quyết định giới tính của thai. Tinh trùng mang nhiễm sắc thể X hoặc nhiễm sắc thể Y; trứng thì luôn mang nhiễm sắc thể X. Sau khi thụ tinh, thai sẽ là XX (nữ) hoặc XY (nam).

    Trong vòng từ 24 đến 36 tiếng, hợp tử một tế bào bắt đầu phân chia khi nó di chuyển dọc vòi fallope. Sự phân chia tế bào này xuất hiện về phương diện hình học: Một tế bào trở thành hai, hai trở thành bốn, bốn trở thành tám….Sự mang nhiều thai xảy ra khi hai hay nhiều trứng được thụ tinh, hoặc một trứng được thụ tinh phân chia thành hai hay nhiều hợp tử. Hai trứng khác nhau được thụ tinh bởi hai tinh trùng khác nhau phát triển thành anh em sinh đôi khác trứng. Hai hợp tử được phân chia từ một trứng phát triển thành anh em sinh đôi cùng trứng giống hệt nhau; ba hợp tử phát triển thành sinh ba cùng trứng.

    Suy Nghĩ Cá Nhân : Bạn sẽ phản ứng thế nào khi biết tin rằng mình hoặc vợ mình sẽ sinh đôi? hay sinh ba?

    Làm tổ

    Trong vòng một tuần sau khi thụ thai, hợp tử trở thành blastocyst (túi phôi), một khối cầu rỗng chứa khoảng 100 tế bào. Sau khi trôi nổi ở ổ tử cung trong khoảng 3 ngày, túi phôi bám vào thành trong của tử cung, nội mạc tử cung. Việc này xuất hiện khi các tế bào ngoài của túi phôi, được gọi là trophoblasts (lá nuôi phôi) tiết ra enzim phá vỡ các lớp thành tử cung, cho phép túi phôi bám chắc vào nội mạc tử cung. Toàn bộ quá trình làm tổ này xuất hiện trong khoảng một tuần sau khi thụ tinh. Ngay lập tức sau khi làm tổ và trong khoảng 8 tuần tiếp theo, hợp tử được gọi là embryo (phôi). Từ sau đó cho đến khi sinh, nó được gọi fetus (thai).

    Khi tốc độ phân chia tế bào tăng lên, dấu hiệu đầu tiên của các mô và cơ quan chuyên biệt bắt đầu xuất hiện. Ví dụ, lá nuôi phôi và các tế bào khác tăng lên về số lượng để hình thành nên placenta (nhau thai), umbilical cord (dây rốn), và amniotic sac (túi ối).

    The placenta (nhau thai), hay còn gọi là afterbirth, là một kết cấu giúp chuyển chất nuôi dưỡng, khí oxy, và các kháng thể chống nhiễm trùng từ máu của mẹ đến để nuôi dưỡng thai. Các chất thải được trả lại cho người mẹ qua cách ngược lại. Nhau thai lúc đầu bám quanh thai nhưng cuối cùng nó chuyển sang một bên trong tử cung.

    Nhau thai cũng tiết ra hooc môn kích thích tố màng đệm (human chorionic gonadotropin) (HCG). Kích thích tố màng đệm này tạm dừng việc có kinh nguyệt bằng cách duy trì thể xốp (thể này tiết ra pro-ges-te-rone) trong suốt những giai đoạn đầu khi mang thai, nó xuất hiện trong nước tiểu và máu của người phụ nữ ngay sau khi có sự ghép cấy. Sự xuất hiện hay vắng mặt của HCG là cơ sở cho hầu hết các thử nghiệm xem có thai hay không; nếu có sự xuất hiện của HCG, thử nghiệm sẽ là dương tính, có nghĩa là phụ nữ có thai. Một dạng thử thai nữa là thử máu ở phòng thí nghiệm, beta subunit HCG radioimmunoassay, phép thử này cho kết quả chính xác lên đến 99% khi thực hiện thử 5 ngày trước kỳ kinh tiếp theo. Thử thai HCG ở nhà cũng cho kết quả chính xác, việc thử được thực hiện sau khi chậm kinh vài ngày. Tuy nhiên, những phép thử này có thể cho kết quả âm tính giả, nó không chính xác được bằng thử thai ở phòng thí nghiệm, điều này dẫn đến việc phụ nữ tin rằng mình không có thai nhưng trên thực tế cô ta lại có mang – từ 25 đến 40% phụ thuộc vào phương pháp sử dụng. Phụ nữ nếu thử thai ở nhà nên thử đi thử lại nhiều lần để giảm thiểu khả năng cho kết quả âm tính giả. Việc có thai luôn cần được các bác sĩ chăm sóc sức khỏe kiểm định lại.

    The umbilical cord (dây rốn) hình thành ở khoảng tuần thứ năm của sự phát của phôi. Nhiệm vụ của dây rốn là chuyển máu đến và đi từ thai thông qua hai động mạch và một tĩnh mạch. Máu của thai nhi tuần hoàn thông qua lông nhung màng đệm, những gán hình nhỏ ở nhau thai mà xung quanh nó máu của mẹ lưu thông. Mặc dù hệ thống tuần hoàn của mẹ và của thai nhi hoàn toàn độc lập, nhưng các chất khác nhau có khả năng giao qua màng của lông nhung màng đệm, bao gồm oxy, chất dinh dưỡng, khí cácboníc, chất thải, những loại virút nhất định, và rất nhiều loại thuốc.

    Nhau thai tăng việc tiết ra lượng hooc môn es-tro-gen và pro-ges-te-rone. Nhiều sự thay đổi thể chất diễn ra trong quá trình mang thai là do hoạt động của những hooc môn này. Es-tro-gen và pro-ges-te-rone ngăn không cho trứng rụng và hành kinh, kích thích sự phát triển của thành tử cung và tuyến vú, kích thích sự mở rộng của các cơ quan sinh sản và sự giãn ra của các dây chằng, ngăn chặn việc co lại của tử cung. Nhau thai cũng tiết ra một loại hooc môn khác, pla-cen-tal lac-to-gen (sinh sữa nhau thai) , hooc môn này thúc đẩy sự phát triển của ngực trong thời gian mang thai và chuẩn bị sẵn sàng cho tuyến vú tiết ra sữa.

    Màng đệm và màng ối là hai loại màng bao quanh phôi đang phát triển, màng đệm là màng ở phía ngoài cùng. Thai lơ lửng ở trong dịch đầu ối, một chất lỏng giống nước, chứa đầy ở màng đệm ối (hay còn gọi là túi ối), được hình thành từ sự hợp nhất của màng ối với một phần của màng đệm. Dịch đầu ối cung cấp nhiệt độ ổn định cho bào thai đang phát triển và nó cũng là cái đệm giúp cho thai nhi tránh bị va chạm và tổn thương.

    Trong suốt và sau quá trình ghép cấy, nhiều phụ nữ nhận thấy những dấu hiệu ban đầu của việc có thai: chậm kinh, buồn nôn và nôn, ngực và núm vú nhạy cảm, tiết dịch âm đạo, đi tiểu thường xuyên hơn, mệt mỏi, nhiệt độ trung bình của cơ thể tăng, thay đổi màu và bề mặt của da, hơi tăng cân. Một phụ nữ mang bầu thường không trải qua tất cả những dấu hiệu và sự thay đổi đó.

    Hoàn Cảnh Cá Nhân (Jessica, 25 tuổi) :

    John, chồng tôi và tôi đã cố gắng thụ thai trong vòng 5 tháng. Tôi đã bắt đầu nghĩ đến việc có điều gì đó không ổn. Nhưng rồi tôi bắt đầu nhận ra mình lúc nào cũng thấy mệt mỏi, tăng cân, và đau bụng vào hầu hết các buổi sáng. Tôi cũng bị chậm kinh. Thế nên, tôi mua mấy viên thuốc thử thai về nhà để kiểm tra xem thế nào. Và đoán thử xem? Như bác sĩ có thể đoán, John và tôi vô cùng sung sướng. (Tư liệu của bác sĩ Zgourides)

    Nếu người phụ nữ ngờ rằng mình đang có thai, cô ta nên thử xem thế nào ngay lập tức. Việc xác định xem có thai hay không thường được dựa trên các kiểm tra liên quan đến sự có mặt của chất HCG trong nước tiểu của phụ nữ. Những kiểm tra trên cơ thể cũng rất có ích. Hiện tượng bập bềnh (Ballottement) xuất hiện giữa tuần thứ 16 và 20, là một dạng cho phép kiểm tra bằng hai tay vùng chậu, giúp bác sĩ hoặc nhân viên chăm sóc sức khỏe có thể nhận thấy bào thai trôi nổi trong tử cung. Bác sĩ có thể cũng thấy tiếng thổi nhẹ tử cung, hay tiếng hơi, bằng cách nghe thai bằng ống nghe đặt vào bụng của bà mẹ. Lúc đó, bác sĩ cũng có thể nghe thấy tim thai (điều này thường rõ ở tuần thứ 20 đến 24). Cử động đầu tiên của thai nhi thường rất nhanh. Cách khác để khẳng định xem có bầu hay không là sử dụng phương pháp chụp siêu âm (ul-tra-so-no-gra-phy) (phương pháp này sẽ được nói đến cụ thể hơn ở chương sau) và chụp X quang (X-rays), tuy nhiên ngày nay các bác sĩ ít sử dụng phương pháp chụp X quang vì nguy cơ phóng xạ đối với thai nhi và mẹ.

    Quý đầu tiên

    Trong suốt 12 tuần đầu tiên khi mang thai, cấu trúc và hệ thống cơ thể chủ yếu của thai bắt đầu hình thành. Ba lớp tế bào khu biệt hình thành nên các cơ quan khác nhau của cơ thể. Nội bì (en-do-derm) hình thành nên các hệ thống tuyến, hệ thống hô hấp và tiêu hóa; trung bì ( me-so-derm) hình thành nên khung xương, cơ, mô liên kết, các hệ thống sinh sản và tuần hoàn; và ngoại bì (ec-to-derm) hình thành nên hệ thống thần kinh, các cơ quan cảm giác, và da. Sự phát triển của thai nhi thường xảy ra theo trật tự đầu đuôi, bắt đầu từ đầu và kết thúc bằng phần dưới của cơ thể.

    Đến tuần thứ 7, các cơ quan hô hấp và tiêu hóa đã hình thành (ví dụ như phổi, thận, gan, lá lách, và ruột) bắt đầu thực hiện chức năng còn hạn chế của mình. Tuy nhiên, giới tính của thai chưa được thấy rõ, tuyến sinh dục mới bắt đầu phát triển.

    Đến tuần thứ 8, thai nhi nặng 1/30 ao-xơ và dài 1¼ in-xơ. Lúc này, những nét ngoài của khuôn mặt (ví dụ như môi, lưỡi, mắt, tai, và mũi) đã có thể nhìn thấy. Đầu của thai nhi chiếm tỷ lệ lớn hơn so với phần còn lại của cơ thể do sự phát triển nhanh của bộ não. Cánh tay, bàn tay, chân, bàn chân, và ngón chân nhanh chóng xuất hiện ở tuần thứ 10. Trong vòng vài tuần tiếp theo, thai nhi nặng khoảng gần 1 ao-xơ, và dài khoảng từ 3 đến 4 in-xơ, lúc này có thể thấy rõ các cơ quan sinh sản.

    Hầu hết những cảm nhận về sự thay đổi cơ thể cũng như tình cảm của người mẹ ở quý đầu tiên là do sự thay đổi hooc môn. Lượng es-tro-gen cao gây ra sự kích thích ở bụng, gồm cảm giác buồn nôn và nôn. Lượng pro-ges-te-rone cao gây tình trạng uể oải và mệt, làm giãn các cơ trực tràng, thúc đẩy những chuyển động ruột bất thường và gây chứng táo bón. Những hooc môn này cũng làm thay đổi sự cân bằng nước trong cơ thể, bởi vậy sự giữ nước và phù có thể xảy ra. Những thay đổi về cơ thể khác trong quý đầu mang thai còn bao gồm sự nhạy cảm của ngực tăng lên, dịch âm đạo nhiều hơn, đi tiểu và đi ngoài nhiều do tử cung mở rộng và chèn vào bàng quang và trực tràng. Như một người bạn đã giải thích:

    Hoàn Cảnh Cá Nhân (Toni, 23 tuổi)

    Tôi đã rất ngạc nhiên vì nhiều thay đổi bất thường xảy ra khi tôi phát hiện mình đang mang thai. Thay đổi tồi tệ nhất là chân tôi bị phù. Hàng ngày đôi khi tôi thường đi lại, nhưng bây giờ tôi cảm thấy đôi giày của mình quá chật, nhiều lúc tôi phải đi quanh nhà bằng chân đất. Tôi cũng cần phải vào nhà vệ sinh mỗi giờ, đặc biệt là vào ban đêm – thật bất tiện khi bạn đang cố gắng để ngủ. (Tư liệu của bác sĩ Zgourides)

    Những thay đổi về cơ thể khi mang thai có thể ảnh hưởng đến trạng thái tình cảm của người mẹ trong quý đầu tiên. Cảm giác cơ thể không thoải mái, chẳng hạn như buồn nôn vào buổi sáng, và nỗi sợ bị xảy thai có thể khiến cho người mẹ lo lắng và/ hoặc trầm cảm.

    Suy Nghĩ Cá Nhân : Mệt mỏi nào về mặt thể chất ở quý đầu tiên mà bạn thấy dễ xử lý nhất? Mệt mỏi nào là khó giải quyết nhất?

    Quý hai

    Quý thứ hai của thai kỳ bắt đầu khoảng tuần thứ 13. Đến tuần thứ 18 và 20, người mẹ có thể cảm thấy sự cử động của bào thai dài 6 in-xơ. Giữa tuần thứ 20 đến 25, bào thai có thể nặng đến 1 kg. Vào thời gian này, mắt của thai nhi đã phát triển tới mức có thể mở được. Bào thai cũng trở nên nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh trong tử cung. Nó ngủ, thức và cử động chân tay.

    Phụ nữ mang bầu có tâm trạng tốt nhất là ở quý hai này, đặc biệt do một số điều bực dọc, bất tiện ở quý đầu dần dần mất đi. Cảm giác thai nhi cử động trong cơ thể giúp người mẹ cảm thấy bớt lo lắng về những rắc rối có thể, chẳng hạn như sự xảy thai. Một số bất tiện ở quý đầu có thể vẫn còn (ví dụ như táo bón, trĩ, căng tức ngực); những bất tiện khác tăng kên (giữ nước, khiến phù ở chân, tay và mặt); và một số bất tiện mới nảy sinh (sự xuất hiện của sữa non, một chất dịch màu trong đến màu vàng rỉ ra từ núm vú). Gạt sang một bên những bất tiện, nhiều phụ nữ trải nghiệm cảm giác lạc quan và vui vẻ trong giai đoạn mang thai này.

    Quý 3

    Quý cuối cùng này bắt đầu vào khoảng tuần thứ 27. Khi một lớp mỡ phát triển ở dưới da, thai nhi bắt đầu mang hình hài một đứa trẻ. Nó cũng bắt đầu chuyển sang tư thế đầu ở dưới, hay ngôi thai, trong tử cung khi chuẩn bị chuyển đến ống sinh. Tuy nhiên, thai nhi có thể ở tư thế ngôi mông, nghĩa là tư thế hông hay chân ở trước.

    Đến tháng thứ 8, thai nhi nặng khoảng 2,5 kg và bắt đầu tăng 0,5 kg một tuần. Những nếp nhăn bắt đầu biến mất, và da của thai nhi bớt đỏ đi. Chất sáp được biết đến như bã nhờn thai nhi hình thành từ da của bào thai để bảo vệ thai khi sinh.

    Trong suốt quý cuối cùng này, một số bất tiện nảy sinh đối với người sắp được làm mẹ. Tử cung tiếp tục mở rộng và dẻo dai hơn, nó ép mạnh các cơ quan bên trong của phụ nữ. Sự chèn ép bên trong này có thể gây ra hiện tượng đau lưng, thở gấp, đau bụng, mệt mỏi, hay đi tiểu. Phụ nữ có thể phải chịu một số cơn đau, co thắt Braxton-Hicks không phải đau đẻ (đôi khi được gọi là “những cơn đau đẻ giả”), những cơn đau này được xem là giúp củng cố các cơ ở tử cung để chuẩn bị cho sự vượt cạn “thật sự”.

    Lo lắng và trầm cảm liên quan đến việc sắp phải chịu những cơn đau đẻ, sinh con, những phức tạp có thể xảy ra, và bổn phận làm mẹ là những lo lắng thường thấy ở quý ba này. Người phụ nữ cũng có thể trở nên cáu kỉnh và mất bình tĩnh khi gần đến hay đã qua ngày sinh dự kiến mà vẫn chưa sinh.

    CHĂM SÓC SỨC KHỎE TRƯỚC KHI SINH

    Không bao giờ là quá sớm đối với một phụ nữ khi quan tâm đến vấn đề chăm sóc sức khỏe trước khi sinh. Bên cạnh mong muốn mang một đứa trẻ khỏe mạnh đến với thế giới, người mẹ cũng cần quan tâm đến sức khỏe của chính mình. Duy trì và tăng cường sức khỏe thể chất cũng như tinh thần bằng một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục điều độ, nhận biết những vấn đề đang phát triển thông qua việc thường xuyên liên lạc với bác sĩ, và đưa ra những lựa chọn có hiểu biết về nơi và người sẽ đỡ đẻ cho mình là những khía cạnh quan trọng liên quan đến việc chăm sóc có hiệu quả trước khi sinh.

    Chế độ dinh dưỡng khi mang thai

    Bào thai phụ thuộc vào người mẹ để có đủ chất dinh dưỡng. Một chế độ ăn uống cân bằng với các chất đạm, chất khoáng và vi-ta-min là cần thiết đối với sự phát triển bình thường của thai nhi. Nhiều bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho rằng bạn nên uống thêm các thuốc có vi-ta-min và khoáng chất, đặc biệt những loại thuốc giàu axít folic (một loại vi-ta-min B cần thiết cho sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi) ngay cả khi bạn đã có một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Phụ nữ mang thai nên tiêu thụ từ 2.300 đến 2.500 calo mỗi ngày. Chế độ ăn uống của phụ nữ có thai cần bao gồm 50% hydrát các bon, 25% chất đạm, và 25% chất béo. Phụ nữ mang thai cũng cần uống nhiều nước, ăn ít các thức ăn chứa nhiều mỡ động vật (ví dụ bơ và pho mát), hạn chế ăn những thứ mặn. Bà mẹ trong tương lai có thói quen ăn uống không đầy đủ có thể chịu những nguy cơ liên quan đến thiếu máu, mệt mỏi, đau cơ, và chứng mất ngủ. Ăn uống không đầy đủ tăng nguy cơ phát triển không bình thường của thai, em bé sẽ dễ bị sinh thiếu cân, hay chết khi sinh. Phụ nữ cần phải tăng từ 12 đến 15 kg khi mang thai, trong đó 2 kg là do sự to lên của ngực.

    sinh em bé

    Việc sử dụng thuốc khi mang thai

    Nhiều loại thuốc và hóa chất có thể dễ dàng chuyển từ mẹ sang thai nhi. Te-ra-to-gen (tác nhân gây quái thai) là một chất hay thuốc có thể gây sự dị dạng đối với thai khi khi nó được người mẹ tiêu hóa.Clas-to-gen là một chất hay thuốc có thể gây hỏng thai, mặc dù nó không nhất thiết sẽ gây ra những dị dạng có thể nhìn thấy bằng mắt.

    Thậm chí những thuốc có vẻ không có hại như cà phê và kháng sinh his-ta-mine cũng có thể gây hỏng thai nếu dùng không đúng liều lượng. Và cái được cho là liều dùng bình thường đối với người mẹ, trên thực tế có thể là quá liều đối với thai nhi. Điểm cốt yếu là phụ nữ mang thai không được dùng bất kỳ loại thuốc nào (có kê đơn hay không) trừ khi loại thuốc đó được bác sĩ chăm sóc sức khỏe của cô chỉ định cụ thể là được dùng. Và phụ nữ mang thai nên hỏi ý kiến lần thứ hai hoặc lần thứ ba nếu như cô có các câu hỏi hay những lo ngại liên quan đến thuốc mà cô dùng, có ý định sẽ dùng khi mang thai.

    Những loại thuốc không cần có đơn của bác sĩ Những loại thuốc phải được bác sĩ kê đơn. Nhiều khuyết tật và sự dị dạng khi sinh (ví dụ như điếc, thiếu một hay nhiều chi, chậm phát triển trí tuệ) là do việc sử dụng thuốc của người mẹ trong khi mang thai gây ra. Phụ nữ luôn luôn cần phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khi mang thai. Điều này có nghĩa là cần tránh không sử dụng những loại thuốc không cần đơn của bác sĩ (những chế phẩm chữa cảm, aspirin) và cả những loại thuốc yêu cầu phải có đơn (thuốc kháng sinh, xteoit, thuốc tránh thai dạng uống và những thuốc có gốc thuốc phiện) trừ khi bác sĩ chỉ định trực tiếp cho dùng.

    Rượu cồn. Trẻ sơ sinh mắc fetal alcohol syndrome (FAS) (Hội chứng mắc phải do rượu)- do người mẹ uống rượu khi mang thai – sẽ chịu những khiếm khuyết ở vùng mặt (ví dụ mắt lác, mũi hếch, môi trên dày hoặc mỏng), khiếm khuyết ở tim, và dị dạng chi. Nhiều đứa trẻ mắc hội chứng FAS cũng phải chịu chứng chậm phát triển trí tuệ ranh giới. Chỉ uống 2 ao xơ rượu một ngày trong những tháng đầu khi mang thai thôi cũng đã đủ để gây ra hội chứng FAS. Để tránh hội chứng FAS ở trẻ, người phụ nữ phải hoàn toàn không được dùng rượu trước (đặc biệt là trong những tháng mà cô ta không sử dụng các phương pháp tránh thai đáng tin cậy) và trong khi mang thai. Không hề có mức độ uống lượng rượu bao nhiêu là được phép được đưa ra cả.

    Thuốc lá. Các tài liệu có căn cứ đều thừa nhận những nguy hiểm liên quan đến việc hút thuốc lá khi mang thai. Hút thuốc lá gây nên sự thiếu hụt vi-ta-min, làm giảm lượng máu đến nhau thai, và lấy bớt ô xy của thai nhi. Một số chất các bon monoxide độc mà người mẹ hít vào cũng sẽ chuyển xuống thai nhi. Những phụ nữ hút thuốc khi mang thai sẽ làm tăng nguy cơ xảy thai, hay sinh con thiếu tháng hoặc thiếu cân.

    Những loại thuốc bất hợp pháp. Phụ nữ mang thai tránh không được sử dụng những loại thuốc bất hợp pháp. Người ta chưa chứng minh được rằng cần sa, loại chất chứa te-tra-hydro-can-na-binol (THC) có gây ảnh thưởng đến thai nhi. Tuy nhiên THC có thể vượt qua rào cản của nhau thai và gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh của thai (ví dụ gây ra các vấn đề liên quan đến thị giác) và sự hút thuốc ở trẻ sơ sinh phơi THC trong tử cung.

    Co-cain, loại thuốc dùng để tiêu khiển ngày càng trở nên phổ biến. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, những phụ nữ mang thai sử dụng cô-cain sẽ làm tăng nguy cơ thai chết lưu, sinh con thiếu cân, và/hoặc sinh con bị dị dạng bẩm sinh. “Những đứa trẻ cocain” là những đứa trẻ sinh ra đã nghiện cô-cain, do mẹ của chúng đã sử dụng chất này khi mang thai.

    Heroin là một trong những loại thuốc phiện được sử dụng nhiều nhất. Mặc dù heroin là loại thuốc bất hợp pháp nhưng đa phần các thuốc có gốc heroin như codeine, morphine, dilaudid, và methadone lại được kê đơn hợp pháp sử dụng cho các mục đích y tế. Những thuốc có gốc thuốc phiện vượt qua rào cản của nhau thai, gây nên sự rút thuốc thai nhi, các vấn đề về hô hấp, gây hại đến bộ não.

    Suy Nghĩ Cá Nhân :

    Bạn sẽ làm gì nếu như bạn phát hiện ra rằng cô hàng xóm mang bầu đang ăn rất nhiều loại “thực phẩm tạp nham”, uống rượu và hút thuốc lá? Bạn sẽ cảnh báo cho cô biết những nguy hại của các hành động này trong khi mang thai như thế nào? Nếu cô ta trở nên thù địch và nói với bạn rằng không nên nhúng mũi vào chuyện của người khác thì bạn sẽ phản ứng ra sao?

    Tình dục khi mang thai

    Trừ khi người phụ nữ có nguy cơ gặp những rắc rối khi mang bầu, còn không thì hai vợ chồng không phải tránh các hoạt động tình dục trong thời gian này. Nhiều phụ nữ chọn việc vẫn tiếp tục quan hệ tình dục cho đến tận quý thứ ba của thai kỳ, một số trường hợp còn quan hệ tình dục cho đến tận khi sinh con. Hay lo lắng phổ biến về hoạt động tình dục khi mang thai trên thực tế là không có cơ sở. Các co thắt khi quan hệ không dẫn đến việc sinh con, và quan hệ tình dục không gây nhiễm trùng hay gây hại đến thai nhi.

    Nhận thức và cảm giác của hai vợ chồng về những thay đổi ngoại hình của người phụ nữ khi mang thai có thể hạn chế hứng thú của họ trong hoạt động tình dục. Trao đổi thẳng thắn với nhau là điều đặc biệt quan trọng trong khi mang thai nhằm duy trì sự gần gũi và chất lượng trong quan hệ của hai người. Phụ nữ mang bầu cũng thấy sự thay đổi ở kích cỡ và hình dáng cơ thể, điều này có phần gây khó khăn cho quan hệ tình dục. Ví dụ, hai người có thể cần thử những tư thế quan hệ tình dục khác nhau để cảm thấy dễ dàng và thoải mái. Trong giai đoạn giữa và cuối của thai kỳ, người phụ nữ sẽ thấy tư thế nam giới ở trên rất không thoải mái. Trong trường hợp này, hai người có thể thử tư thế từ đằng sau, tư thế nằm cạnh nhau, hay tư thế phụ nữ ở trên để tránh tạo áp lực lên bụng. Hoặc hai vợ chồng có thể tham gia vào các hoạt động tình dục mà không giao hợp. Trước tiên, người phụ nữ nên hỏi bác sĩ của mình xem liệu có lý do gì đặc biệt khiến cô phải tránh không được tham gia các hoạt động tình dục trong khi mang thai không.

    Thế còn hoạt động tình dục sau khi sinh thì sao? Bác sĩ của sản phụ sẽ khuyên hai người tạm thời không quan hệ tình dục trong vòng ít nhất một tháng sau khi sinh để những tổn thương, vết rách ở âm đạo và các đường rạch do thủ thuật mở tử cung và thủ thuật cắt tầng sinh môn liền lại. Thay vì đặt ra số tuần cụ thể phải nhịn không được quan hệ tình dục, hai người có thể tự phán đoán khi nào có thể quan hệ lại dựa vào sự sẵn sàng về thể chất và tâm lý của người phụ nữ. Tất nhiên, tìm thời gian cho hoạt động tình dục và thời gian chăm sóc bé mới sinh là hai vấn đề khác nhau.

    Tập thể dục khi mang thai

    Bác sĩ chăm sóc sức khỏe có thể đưa ra bài tập cụ thể trước khi sinh dành cho phụ nữ mang thai tùy thuộc vào nhu cầu và điều kiện thể chất. Hầu hết các chuyên gia khuyến cáo rằng một chương trình luyện tập nên bao gồm đi bộ nhanh và chú ý không tham gia vào các hoạt động liên quan đến những chuyển động giật, nhảy, hay chuyển hướng một cách đột ngột. Những phụ nữ không tập thể dục thường xuyên trước khi mang bầu cần phải cẩn thận khi bắt đầu tập những chương trình thể dục có cường độ lớn. Và những phụ nữ trước đây đã năng động rồi cũng cần có một số thay đổi trong chương trình tập của mình. Theo Hiệp Hội Sản Khoa Mỹ thì tập thể dục thường xuyên ba lần trong một tuần là tốt nhất. Phụ nữ mang thai nên giữ không tham gia vào những hoạt động vất vả quá 15 phút, và duy trì nhịp tim ở mức không quá 140 lần đập trong một phút. Phụ nữ mang thai cũng nên cẩn thận khi tập luyện ở những nơi có nhiệt độ lạnh hơn, để giảm nguy cơ gây hại đến hệ thần kinh của thai nhi do thân nhiệt của mẹ tăng lên. Hơn nữa, phụ nữ mang thai nên uống nhiều nước trong khi luyện tập với cường độ cao. Phụ nữ mang thai cần dừng ngay việc tập luyện, và liên hệ với bác sĩ nếu cô thấy có các triệu chứng bất thường như đau nhức, mệt mỏi, chảy máu, thở ngấp, buồn nôn, chóng mặt hay co thắt. Cuối cùng, phụ nữ mang thai đầu tiên cần phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu hay tiếp tục bất kỳ một chương trình tập luyện nào, cần tuyệt đối tránh tập luyện trong thời gian mang thai đối với các trường hợp mắc bệnh tim, và có tiền sử xảy thai trên ba lần.

    CÁC LỰA CHỌN KHI SINH

    Phụ nữ mang thai có nhiều sự lựa chọn khi gần đến ngày sinh. Lên kế hoạch cẩn thận là điều rất cần thiết để đảm bảo ít gây ra sự căng thẳng nhất khi sinh.

    Bác sĩ hay Bà đỡ?

    Tất cả các bác sĩ ở Mỹ đều được đào tạo trong trường về lĩnh vực liên quan đến mang thai và sinh nở. Một chuyên gia trong lĩnh vực này được gọi là obstetrician (bác sĩ sản khoa). Một gynecologist, hay chuyên gia trong lĩnh vực sinh sản phụ nữ cũng là một người chuyên chăm sóc các trường hợp mang thai. Một số bác sĩ cũng có các trung tâm cung cấp dịch vụ sinh sản (được miêu tả ở dưới), tuy nhiên hầu hết hành nghề ở bệnh viện.

    Các bà đỡ y tá có chứng chỉ (Certified nurse midwives) (CNMs), là những người được đào tạo y tế chuyên biệt, việc xuất hiện của họ ở những ca sinh nở ngày càng trở nên phổ biến. Mục tiêu cơ bản của họ là đảm bảo đứa trẻ được sinh ra tự nhiên, an toàn. Các bà đỡ có chứng chỉ là những người được nhà nước cấp bằng hành nghề, họ làm việc cùng với bác sĩ. Cho dù họ có thực hiện việc đỡ đẻ ở bệnh viện, ở trung tâm hộ sinh, hay ở nhà thì bạn cũng không nên nhầm giữa CNMs với các bà đỡ không có chuyên môn, thường hành nghề ở các vùng quê hay những nơi nghèo khó. Những bà đỡ không có chuyên môn thường không được đào tạo về y tế/cách chăm sóc và thường hành nghề không cùng với bác sĩ.

    Sinh con ở bệnh viện hay ở nhà?

    Nhiều phụ nữ thích sinh con ở bệnh viện vì ở đó có đầy đủ các bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên được đào tạo, thuốc men và các thiết bị cấp cứu. Hầu hết các bệnh viện đều có phòng sinh và phòng phục hồi riêng. Hơn nữa, nhiều bệnh viện ngày nay còn có các phòng sinh đặc biệt, có đội ngũ bà đỡ và y tá riêng, vì nhiều bà mẹ mong muốn sinh con trong không khí an toàn.

    Sinh con ở nhà thường đòi hỏi có bà đỡ (hay ít phổ biến hơn là bác sĩ) thực hiện việc đỡ đẻ ở nhà, có hay không có sự có mặt của các thành viên trong gia đình. Nghe nói sinh con ở nhà khiến cho việc sinh nở mang tính tự nhiên và thoải mái hơn, nhưng người ta khuyến cáo chỉ nên áp dụng cho những phụ nữ khỏe mạnh, không có nguy cơ gặp tai biến gì. Vì có nhiều vấn đề nảy sinh bất ngờ, nên việc sinh con ở nhà gần phòng cấp cứu của bệnh việc là lựa chọn sáng suốt.

    Các trung tâm sinh sản

    Các trung tâm sinh sản cung cấp những dịch vụ sinh sản tốt, tạo không khí như ở nhà, có các phương tiện phục vụ sinh sản được nhà nước cấp giấy phép, và có đội ngũ bà đỡ. Những trung tâm này hầu hết thường nằm gần bệnh viện, cung cấp rất nhiều tiện ích, bao gồm cả giáo dục trước khi sinh, sự tham dự của gia đình khi sinh, chuẩn bị sẵn sàng các thiết bị cấp cứu và tiếp tục chăm sóc sau khi sinh. Ở một số thành phố các trung tâm sinh sản ngày nay được xây dựng như một phần mở rộng của bệnh viện.

    Sự gây tê

    Ngoài việc lựa chọn bác sĩ và địa điểm sinh, sản phụ cũng quyết định xem mình có muốn dùng thuốc khi sinh hay không. Việc làm giảm các cơn đau khi sinh thường đi kèm với việc sử dụng thuốc giảm đau,và thuốc gây tê, các tác nhân phong tỏa cảm giác làm dịu những khu vực nhất định ở cơ thể. Phong tỏa âm hộ làm dịu những cơn đau ở vùng sinh dục; gây tê ngoài màng cứng làm giảm cơn đau ở vùng bụng, vùng chậu, vùng sinh dục và chân. Những tác nhân phong tỏa này làm giảm khả năng rặn đẩy thai ra khỏi ống sinh trong khi sinh của người phụ nữ. Những loại thuốc này cũng có một số tác dụng phụ, gồm đột ngột làm giảm huyết áp, gây đau đầu, nôn, buồn nôn, và đau lưng. Một số phụ nữ yêu cầu được dùng thuốc an thần và/hay thuốc phiện để làm giảm đau khi sinh. Những thuốc này có thể hạn chế chức năng hệ thống thần kinh của thai nhi.

    Chuẩn bị khi sinh đẻ

    Nhiều cặp vợ chồng chọn cách chuẩn bị cho việc sinh nở (bao gồm cả việc làm chủ những cơn đau) thông qua những lớp giáo dục và đào tạo. Ngày nay, nhiều bệnh viện có cung cấp những khóa học chuẩn bị trước khi sinh, đôi khi không mất tiền dành cho những người không có khả năng chi trả. Hai chương trình cung cấp kiến thức về sinh nở phổ biến là phương pháp Bradley và Leboyer. Được Robert Bradley xây dựng từ những năm 60, phương pháp Bradley cung cấp những kiến thức và dạy cách thư giãn, cách thở bằng bụng — tất cả điều này được giảng dạy ngay khi người phụ nữ biết là mình có thai. Chương trình này cũng nhấn mạnh đến sự tham gia tích cực của người chồng khi phụ nữ sinh. Ví dụ người chồng nói những câu động viên, khích lệ vợ khi sinh. Phương pháp Leboyer được Frederick Leboyer giới thiệu vào những năm 70, phương pháp này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa một đứa trẻ ra với thế giới sao cho ít gây đau đớn nhất. Sinh nở một cách thầm lặng với chậu nước ấm dưới ánh đèn đèn mờ. Phương pháp này cũng khuyến khích sự giao tiếp ngay lập tức giữa mẹ và bé sau khi sinh để tạo nên sợi dây ràng buộc.

    Một khóa học “chuẩn bị trước khi sinh” phổ biến khác giành cho hai vợ chồng là phương pháp Lamaze, phương pháp này được Fernand Lamaze xây dựng vào những năm 50. Hai vợ chồng tham dự khóa học của Lameze hàng tuần trong vòng từ 6 đến 8 tuần. Những lớp học này dạy cách thư giãn, dạy cách thở, cũng như cung cấp các kiến thức liên quan đến những điều có thể xảy ra khi đau đẻ và khi sinh. Người chồng của sản phụ cũng tham dự vào quá trình sinh của vợ, đóng vai trò như một huấn luyện viên. Anh ta trợ giúp vợ bằng cách giúp người phụ nữ điều tiết nhịp thở, theo dõi sự co thắt, và động viên về mặt tinh thần. Một người phụ nữ chọn phương pháp của Lamaze cũng có thể lựa chọn việc sử dụng thuốc nếu cô thấy những cơn đau khiến mình không chịu nổi.

    Quyết định không dùng thuốc khi sinh tùy thuộc vào người phụ nữ (hay hai vợ chồng) sau khi xem xét các vấn đề liên quan đến chuyên môn hay các vấn đề khác. Tuy nhiên, một số phụ nữ mong muốn được chuẩn bị hoàn toàn trước khi sinh, nhiều người cũng thấy mình cần phải sử dụng thuốc để làm giảm các cơn đau.

    CÁC GIAI ĐOẠN CỦA SỰ SINH ĐẺ

    Sự sinh đẻ (Childbirth, hay parturition), bắt đầu bằng cơn đau đẻ (labor) (“work”)- là sự co thắt của các cơ tử cung và mở cổ tử cung, nó kết thúc bằng việc đẻ (delivery)- đẩy đứa bé và nhau ra khỏi âm đạo.Những dấu hiệu ban đầu của đau đẻ bao gồm xuất hiện các vết máu chảy ra từ âm đạo do nước nhầy bít ở cổ tử cung chảy ra, vỡ túi ối, và các cơn co thắt ngắn, nhẹ.

    Giai đoạn đầu tiên của Sự sinh đẻ

    Giai đoạn đầu tiên của sự sinh đẻ – đau đẻ – có thể kéo dài từ một vài tiếng cho đến hơn 24 tiếng, khoảng thời gian này kéo dài bao lâu thường có liên quan đến số lượng những lần sinh trước kia. Trong nhiều trường hợp, đau đẻ lần đầu tiên thường kéo dài lâu hơn (khoảng 12 tiếng) so với những lần đau đẻ sau (từ 6 đến 8 tiếng). Sự co thắt bắt đầu xuất hiện thường xuyên và cổ tử cung tiếp tục giãn rộng ra. Đau đẻ được chia thành ba giai đoạn có thời gian khác nhau: giai đoạn đầu, giai đo giữa, giai đoạn cuối. Ở giai đoạn đầu, sự co thắt thường nhẹ, trong khoảng một phút và cứ khoảng 15 phút một lần. Ở giai đoạn giữa, sự co thắt diễn ra mạnh và thường xuyên hơn, cổ tử cung mở rộng hơn. Ở giai đoạn cuối cùng, người phụ nữ đau liên tục, sự co thắt diễn ra rất mạnh, và cổ tử cung mở hoàn toàn khoảng 10cm (4 in-xơ).

    Giai đoạn thứ hai của Sự sinh đẻ

    Khi sự co thắt bắt đầu để đưa thai nhi ra qua âm đạo, người phụ nữ nên rặn mạnh để tống đứa trẻ ra ngoài. Lúc này, cổ tử cung đã mở hoàn toàn. Giai đoạn thai nhi lấp ló ở cổ âm đạo (Crowning) là khi có thể nhìn thấy đầu của đứa trẻ ở cổ âm đạo. Trong một số trường hợp hông hay chân của đứa trẻ xuất hiện trước (“tư thế ngôi mông”). Người tham gia đỡ đẻ có thể sử dụng cái cặp thai để chuyển bằng tay tư thế ngôi mông của đứa trẻ trở về tư thế đầu ra trước trước khi thai nhi chuyển xuống ống sinh.

    Một khi giai đoạn thai nhi lấp ló ở cổ âm đạo bắt đầu, người phụ nữ có thể phải trải qua thủ thuật rạch âm hộ (episiotomy), một thủ tục liên quan đến việc rạch một đường ở đáy chậu để tạo chỗ cho đứa trẻ đi qua. Sau khi sinh, các bác sĩ khâu nó lại bằng chỉ tự tiêu để không cần phải rút chỉ sau đó. Mặc dù một số nhà tự nhiên học phản đối cách làm này, nhưng những người ủng hộ lại cho rằng cắt tầng sinh môn tốt hơn là để nguy cơ đáy chậu tự rách ra khi sinh. Chỗ bị rạch sẽ gây đau khi thuốc gây tê hết tác dụng, nhưng nó sẽ nhanh chóng lành hơn là để tự rách.

    Sau khi sinh, các bác sĩ sẽ hút miệng và mũi của đứa trẻ để nó có thể thở, họ cũng kẹp và cắt dây rốn của đứa trẻ. Bác sĩ sau đó có thể phát nhẹ vào mông đứa bé để kích thích phản ứng thở. Cuối cùng, bác sĩ nhỏ một vài giọt bạc ni-tơ rát vào mắt của trẻ để đề phòng nhiễm trùng lây từ mẹ khi sinh.

    Bác sĩ thực hiện thủ thuật mở tử cung (caesarean section) (hay C-section) khi việc sinh trẻ bình thường qua đường âm đạo không được khuyên dùng hay không thể thực hiện được. Ở thủ thuật này, bác sĩ sẽ rạch phần bụng dưới của người phụ nữ, tử cung được mở ra nhờ phẫu thuật và đứa trẻ được lấy ra ngoài. Các lý do để thực hiện thủ thuật mở tử cung là do người mẹ phải chịu những cơn đau đẻ vô cùng lớn, thai ngôi mông, người mẹ bị bệnh (ví dụ cơn herpes bùng phát), nguy cơ gây hại đến thai, và/hoặc trước đây đã sinh bằng thủ thuật mở tử cung. (Tuy nhiên, người phụ nữ vẫn có thể sinh thường sau khi trước đây đã sinh mổ). Thủ thuật mở tử cung này đã cứu sống vô số mạng người, nhưng ngày nay một số chuyên gia nghi ngờ việc lạm dụng thuật mở tử cung. Hơn nữa, một số chuyên gia cũng chú ý đến việc gia tăng không thể chấp nhận được những ca sinh mổ ngày nay so với vài thập kỷ trước kia, hay so với những nước công nghiệp khác có tỷ lệ tử vong ở trẻ so sinh thấp. Khoảng 25% trẻ em sinh ra ngày nay ở Mỹ là bằng con đường phẫu thuật mở tử cung.

    Các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe của trẻ sơ sinh (ngay sau khi sinh, và đánh giá lại một lần nữa sau khoảng 5 phút) sử dụng thang điểm Apgar. Được Virginia Apgar xây dựng năm 1952, hệ thống thang điểm này là một phương tiện dựa trên kinh nghiệm để nhận biết những khuyết tật và vấn đề ở trẻ sơ sinh. Điểm cho dựa trên 5 tiêu chí được tóm tắt là: nhịp tim, sự cố gắng thở, sự rắn chắc của cơ, sự phản ứng với kích thích và màu sắc. Rất hiếm khi có điểm tối đa, còn những đứa trẻ có điểm thấp có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

    Giai đoạn thứ ba của Sự sinh đẻ

    Ở giai đoạn ngắn, cuối cùng này của sự sinh đẻ nhau thai tách khỏi thành tử cung và bị đẩy ra ngoài qua âm đạo (nhờ sự rặn đẻ của người phụ nữ). Nếu như nhau thai vẫn còn nguyên trong tử cung thì nó sẽ gây ra hiện tượng nhiễm trùng và chảy máu. Đây là lý do tại sao các bác sĩ cần phải đảm bảo rằng tất cả nhau thai đã được đẩy ra ngoài. Đây cũng là giai đoạn mà bác sĩ khâu lại vết rạch do thủ thuật cắt tầng sinh môn.

    Sau khi đẻ

    Mức độ hooc môn của người phụ nữ thay đổi rất nhanh ở giai đoạn sau khi đẻ (postpartum) (“afterbirth”), đặc biệt là mức độ hooc môn pro-ges-te-rone và Es-tro-gen cao hơn bình thường bất ngờ giảm xuống. Sự thay đổi hooc môn này, một phần, là nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm sau khi sinh (postpartum depression) (“baby blues”). Chứng trầm cảm sau khi sinh thường xuất hiện phổ biến hơn ở những phụ nữ lần đầu làm mẹ, nó có thể kéo dài từ một vài ngày cho đến một vài tháng, có cường độ từ nhẹ (ví dụ buồn bã và chán đến phát khóc) cho đến nặng (tự tử, đòi hỏi phải có sự điều trị chuyên nghiệp). Bên cạnh sự thay đổi về hooc môn, sự thất vọng và kiệt sức chung do việc đau đẻ chắc chắn có đóng một phần trong sự phát triển của những ca trầm cảm nhẹ sau khi sinh. Phụ nữ cũng có thể gặp các vấn đề khác liên quan đến sức khỏe thể chất và tinh thần sau khi sinh, chẳng hạn như sợ mang thai lần nữa, hay lo lắng về việc bắt đầu hoạt động tình dục.

    Hoàn cảnh Cá nhân (Sissy, 31 tuổi) :

    Tôi không thể tin được rằng mình lại bị trầm cảm đến vậy sau khi sinh. Ý tôi là, sau khi sinh bạn nghĩ rằng mình sẽ rất phấn khởi phải vậy không? Tôi nhận được rất nhiều quà, bưu thiếp, sự thăm viếng của bạn bè và gia đình. Tuy nhiên, đó chẳng phải là vấn đề gì. Tôi kêu khóc đến hàng tuần. Tất cả mọi thứ dường như xuống đến mức cùng cực (Tài liệu của bác sĩ Zgourides).

    Thật thú vị, một số nam giới cũng bị trầm cảm sau khi sinh. Thiếu ngủ, có cảm giác “bỏ rơi”, bị “đặt ra ngoài kế hoạch”, có ít thời gian với vợ, không nhận được đủ sự chú ý của vợ, tất cả những điều này đóng vai trò trong chứng trầm cảm của nam giới sau khi sinh.

    Nuôi con bằng sữa

    Mặc dù đây không phải là một giai đoạn của sự sinh đẻ, nhưng đối với nhiều phụ nữ nuôi con bằng sữa là một hoạt động quan trọng và đáng khao khát sau khi sinh. Các chuyên gia hầu hết đều nhất trí rằng sữa mẹ cung cấp nguồn dinh dưỡng cân bằng nhất cho trẻ. Sữa non (colostrum), một chất lỏng giống sữa được tiết ra trong mấy ngày đầu khi nuôi con bằng sữa, là loại sữa rất giàu kháng thể chống lại sự nhiễm trùng. Và về mặt thực tế mà nói, nuôi con bằng sữa là không đắt tiền và luôn sẵn có. Hầu hết các thành phố đều có những hội đoàn địa phương của tổ chức La Leche League, một tổ chức cung cấp kiến thức và hỗ trợ các bà mẹ nuôi con bằng sữa.

    Sự tiếp xúc cơ thể giữa mẹ và bé trong quá trình cho con bú cũng có ảnh hưởng tâm lý quan trọng đến đứa trẻ (và có lẽ cả mẹ của nó nữa). Tiếp xúc ban đầu mang lại sự khởi đầu tốt đẹp về mặt tình cảm cho đứa trẻ, sự gần gũi giữa mẹ và bé hình thành nên kiểu mẫu cho những quan hệ sau này.

    Thế còn đứa trẻ được sinh ra mà người mẹ quyết định nuôi bộ thì sao? Liệu đứa trẻ thiếu sữa mẹ đó có lớn lên với sự hư hại về tâm lý không? Không có bằng chứng nào cho thấy điều đó cả. Chất lượng của mối quan hệ giữa cha mẹ và bé tạo nên sự khác biệt chứ không phải là nguồn dinh dưỡng. Vì lý do này, nhiều ông bố có thể chia sẻ trách nhiệm trong việc nuôi con bằng sữa theo công thức.

    NHỮNG BIẾN CHỨNG TIỀM ẨN KHI MANG THAI VÀ SINH NỞ

    Một số vấn đề và bệnh nghiêm trọng có thể nảy sinh trong khi mang thai và sinh nở. Những biến chứng phổ biến là mang thai lạc vị (chửa ngoài tử cung) (ectopic pregnancy), nhiễm trùng do vi rút herpes (cytomegaloviral infection), Sự không tương hợp yếu tố Rh (Rh factor incompatibility), đái tháo đường (diabetes mellitus), bệnh sởi Đức (rubella), bệnh to-xo-plas-ma (toxoplasmosis), tiền sản giật và sản kinh ( preeclampsia and eclampsia), xảy thai (miscarriage), sinh thai chết (stillbirth), và đẻ non (prematurity). Người phụ nữ cũng có thể phải chịu bất kỳ vấn đề nào khác ngoài những vấn đề trên khi mang thai, chẳng hạn như buồn nôn vào buổi sáng (morning sickness), bệnh trĩ (hemorrhoids), và chứng sạm da (chloasma).

    Mang thai lạc vị (Chửa ngoài tử cung)

    Nếu trứng được thụ tinh làm tổ bên ngoài tử cung (có nghĩa là trong buồng trứng, cổ tử cung, vòi fallope, hay bụng) thì sẽ gây nên chứng mang thai lạc vi. Loại mang thai lạc vị phổ biến nhất là mang thai trong vòi (tubal pregnancy), ở đây hợp tử bám bào trong vòi fallope bị hỏng hoặc bị chặn, sau khi không thể di chuyển qua vòi fallope. Trừ khi được phát hiện và lấy ra sớm, còn không thì phôi thai sẽ phát triển cho đến khi vòi bị vỡ, gây ra hiện tượng xuất huyết, khiến phụ nữ vô cùng đau đớn và ở một số trường hợp có thể dẫn đến tử vong. Phụ nữ có thể nhầm lẫn giữa việc mang thai bình thường với mang thai lạc vị, vì ít nhất ở thời kỳ đầu nó cũng có các dấu hiệu bình thường như có sự thay đổi hooc môn, mất kinh, buồn nôn vào buổi sáng. Mang thai lạc vị có thể tự xảy thai, mặt khác cần phải tiến hành phẫu thuật để lấy thai ra ngay sau khi phát hiện. Hầu hết phụ nữ sau khi mang thai lạc vị lần sau vẫn có thể thụ thai và chửa trong tử cung cho đến tháng sinh.

    Nhiễm trùng do vi-rút herpes

    Nhiễm trùng do vi rút herper gây ảnh hưởng chủ yếu đến thai nhi hơn là người mẹ. Nó có thể lây truyền qua đường tình dục và lây từ mẹ sang con. Những người lớn bị nhiễm trùng do vi rút herpes thường không thấy có triệu chứng gì, trong khi đó thai nhi bị lây nhiễm từ mẹ có nguy cơ bị dị dạng cao, chẳng hạn như chậm phát triển, động kinh, liệt não, mù, và/hoặc điếc. Hiện nay, chưa có cách chữa trị hay vác xin phòng chống nhiễm trùng do vi rút herpe.

    Sự không tương hợp Yếu tố Rh

    Yếu tố Rh là một chất tìm thấy ở trong máu của hơn 85% dân số. Một người có yếu tố này được gọi là có Rh dương tính (Rh+); người không có yếu tố này gọi là Rh âm tính (Rh-).

    Các vấn đề nảy sinh khi cha mẹ có sự khác biệt về yếu tố Rh kết hợp với nhau tạo ra một đứa trẻ. Đặc biệt nếu phụ nữ có Rh- mang thai với người đàn ông có Rh+, đứa trẻ có thể thừa hưởng yếu tố Rh+. Điều này tạo ra một vấn đề nghiêm trọng đối với các sự mang thai về sau của người mẹ nếu máu của cô bị nhiễm yếu tố Rh+ do lần sinh nở đầu tiên. Các kháng thể hình thành và tấn công tế bào hồng cầu của thai nhi tiếp theo, khiến cho người mẹ mắc bệnh vàng da hoặc thiếu máu, hay sinh ra thai nhi đã chết, hoặc đứa trẻ chậm phát triển.

    Một phương pháp để giải quyết sự không tương hợp yếu tố Rh là truyền máu Rh- sang thai nhi. Sau khi sinh, đứa trẻ được thay máu có tế bào Rh+ bằng máu có tế bào Rh-. Một phương pháp khác là tiêm cho người mẹ RhoGAM, một chất trung hòa Rh, để đề phòng việc cơ thể cô sản xuất ra các kháng thể ở giai đoạn đầu.

    Tiểu đường

    Đái tháo đường, hay sự thiếu hụt in-su-lin cùng với lượng đường trong máu cao, có thể gây những biến chứng nghiêm trọng trong khi mang thai. Những ảnh hưởng của bệnh tiểu đường lên phụ nữ mang thai có thể gồm: xảy thai, thai chết lưu, đẻ non, các tổn thương bẩm sinh, trẻ sơ sinh to, và chứng tăng huyết áp. Tiểu đường ở thời kỳ thai nghén xuất hiện ở những phụ nữ có thai – đôi khi chúng chỉ xuất hiện trong thời gian mang thai, nhưng nó là điềm báo trước của bệnh tiểu đường sau này. Các triệu chứng, biến chứng, và cách điều trị tiểu đường ở thời kỳ thai nghén cũng giống với cách điều trị tiểu đường thông thường. Cần thay đổi chế độ ăn uống và tiêm in-su-lin hàng ngày để hồi phục lại sự chuyển hóa lượng đường trong máu ở mức bình thường.

    Bệnh Rubela

    Phơi nhiễm vi-rút rubela, hay bệnh sởi Đức, trong thời gian mang thai gây ra các nguy cơ nghiêm trọng đối với sự phát triển của thai nhi, đặc biệt là ở quý đầu. Sự thiếu hụt bẩm sinh gây ra bởi bệnh rubela gồm: phát triển trước khi sinh chậm, các dị thường ở nhiễm sắc thể, mù, điếc, tổn thương não, các tổn thương ở tim. Tiêm chủng khi còn bé sẽ giúp phòng ngừa bệnh rubela, và việc tiêm chủng này có tác dụng đến suốt đời. Bất kỳ phụ nữ nào có dự định mang thai nhưng chưa từng bị rubela hay chưa tiêm phòng cần tiêm ngừa trước khi thụ thai.

    Bệnh tox-o-plas-ma

    Bệnh toxoplasma bắt nguồn từ ký sinh trùng Toxoplasma gondii, ký sinh trùng này có trong thịt nấu chưa chín và phân động vật. Mèo là nguồn chính gây nhiễm bệnh toxoplasma cho con người. Những người bị nhiễm bệnh này thường có ít triệu chứng, trong khi đó thai nhi nhiễm bệnh có thể bị hỏng não hoặc chết. Sulfadiazine, một loại thuốc xunfonamit có thể được sử dụng, mà không gây hại đến thai nhi, để điều trị bệnh này trước khi sinh hai tháng.

    Tiền sản giật và Sản kinh

    Phụ nữ bị tiền sản giật, hay “nhiễm độc huyết” sẽ bị tăng huyết áp, giữ nước mạnh và phù khi mang thai. Các triệu chứng của bệnh này thường từ mức độ nhẹ (phù tứ chi) đến nặng (động kinh và chết). Nhiễm độc huyết nặng được gọi là sản kinh. Nguyên nhân chính xác gây ra nhiễm độc huyết hiện vẫn chưa được biết, tuy nhiên dinh dưỡng không đầy đủ có thể là một phần nguyên nhân.

    Các vấn đề khác

    Phụ nữ mang thai có thể gặp những vấn đề khác nhau. Một trong những vấn đề phổ biến nhất mà họ thường gặp là buồn nôn vào buổi sáng, đây là tình trạng mà người phụ nữ cảm thấy buồn nôn, mệt mỏi và chóng mặt vào buổi sáng sớm. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng hiện tượng buồn nôn vào buổi sáng, xuất hiện vào thời kỳ đầu khi mang thai và kết thúc vào quý thứ hai của thai kỳ,có liên quan đến sự thay đổi hooc môn. Ăn bánh quy khi tỉnh giấc và ăn những bữa ăn nhỏ rải rác khắp ngày nhiều khi rất có tác dụng. Phụ nữ mang thai có thể bị trĩ, hay tĩnh mạch hậu môn bị ép. Trĩ thường đi kèm với việc bị sưng, ngứa, hay chảy máu. Thực hiện một phẫu thuật trực tràng nhỏ, bôi kem và ngâm đít là những cách chữa trị tốt nhất. Chứng sạm da là những vết tối xuất hiện xuất hiện trên da khi mang thai (nó thường xuất hiện ở mặt, quầng vú, và bụng), nguyên nhân có thể là do những thay đổi hooc môn. Một thời gian ngắn sau khi sinh, chúng sẽ mất đi. Những vạch dài trên da sẽ không hoàn toàn biến mất, nhưng theo thời gian chúng sẽ mờ đi.

    mang thai và sinh con

    Xảy thai và thai chết khi sinh

    Xảy thai (miscarriage) là sự xảy một cách tự phát của thai nhi không thể sống được (thai không có khả năng sống ở ngoài tử cung) ít hơn 20 tuần tuổi. Thai chết khi sinh (stillbirth) là việc sinh ra mộtbào thai đã chết sau 20 tuần tuổi. Vì người phụ nữ có thể nhầm xảy thai với có kinh trước khi cô biết là mình có thai nên việc xác định số ca xảy thai hàng năm là một việc làm khó khăn. Tuy nhiên, theo ước tính có khoảng 20% phụ nữ mang thai ở Mỹ bị xảy thai, đa số những trường hợp xảy thai này xuất hiện ở quý đầu của thai kỳ. Những dị thường ở nhiễm sắc thể và mang thai khi tuổi đã cao (trên 35 tuổi) là những nguyên nhân chính dẫn đến việc xảy thai.

    Đẻ non

    Đẻ non (premature birth) khác xảy thai ở chỗ, bào thai sống khi sinh (có khả năng sống ở ngoài tử cung). Trẻ đẻ non chiếm khoảng từ 7 đến 10% trong số những trẻ em được sinh ra ở Mỹ, trẻ đẻ non nặng dưới 2,5kg và được sinh ra khi thai ít hơn 36 tuần tuổi. Mặc dù những nguyên nhân gây ra việc đẻ non vẫn chưa được biết, nhưng đẻ non có thể liên quan đến chế độ ăn uống nghèo nàn, sử dụng rượu và thuốc khi mang thai, hút thuốc lá, thiếu sự chăm sóc trước khi sinh, hay có tiền sử xảy thai trước đó. Như đã biết, trẻ sơ sinh càng nhẹ cân càng ít có cơ hội sống. Trẻ đẻ non thường gặp các vấn đề về xuất huyết, gặp khó khăn khi thở, bú sữa, và tiêu hóa. Những vấn đề này thường mất đi khi đứa trẻ tăng cân.

    Kiểm tra để phát hiện những bất thường khi mang thai

    Một số phương pháp chuẩn đoán có thể kiểm tra xem bào thai có khả năng bị các dị tật hay khiếm khuyết nào không. Ba trong số những phương pháp phổ biến nhất được sử dụng là chuẩn đoán bằng siêu âm (ultrasonography), chọc ối (amniocentesis), và lấy mẫu lông nhung màng đệm (chorionic villi sampling). Các chuyên gia đã đưa ra các giai đoạn sử dụng phương pháp chuẩn đoán, đặc biệt là đối với những sản phụ có nguy cơ thấp.

    Chuẩn đoán bằng siêu âm (ultrasound examination, hay sonogram), liên quan đến việc chụp hình chuyển động của bào thai. Các sóng âm tần số cao dội vào bào thai và sau đó cho ta các hình ảnh có thể nhìn thấy được. Chuẩn đoán bằng siêu âm đặc biệt hữu dụng trong việc chuẩn đoán các rối loạn trước khi sinh, theo dõi nhịp tim của thai nhi, và biết trước được giới tính của thai. Hiện tại, không có cơ sở đáng tin cậy nào chứng minh rằng sóng siêu âm gây hại đến thai nhi hay người mẹ cả.

    Các kiểm tra bằng việc chọc ối (Amniocentesis) giúp biết xem có sự nhiễm trùng bào thai hay các dị thường về nhiễm sắc thể hay không. Bác sĩ xác định vị trí bào thai bằng phương pháp siêu âm để tránh đâm vào bào thai, rồi sau đó dùng một cái kim rỗng để rút dịch ở túi ối. Phương pháp chọc ối này thường được thực hiện khi thai được khoảng 15 tuần tuổi. Phương pháp này cho phép cha mẹ có đủ thời gian để quyết định xem có giữ thai lại cho đến khi sinh nếu như thai có những khuyết tật nặng hay không. Kết quả kiểm tra bằng phương pháp này thường có trong vòng từ 3 đến 4 tuần. Nguy cơ gây xảy thai do chọc ối ít hơn 1%.

    Giống với phương pháp chọc ối, phương pháp lấy mẫu lông nhung màng đệm (Chorionic villi sampling) rất có hiệu quả trong việc phát hiện những dị thường của bào thai, nó được thực hiện sớm hơn so với phương pháp chọc ối, từ khi thai được 9 đến 14 tuần tuổi. Bác sĩ đưa một ống thông vào trong tử cung thông qua cổ tử cung. Ở trong bao ngoài của nhau thai có những lông nhung nhỏ. Bác sĩ hút một ít dịch từ những lông nhung đó nhờ ống thông. Kết quả kiểm tra của phương pháp này thường có trong vòng vài ngày. Nguy cơ xảy thai do thực hiện phương pháp này là khoảng 1%.

    VÔ SINH

    Không phải cặp vợ chồng nào muốn có con cũng có khả năng thụ thai. Hai vợ chồng thường được gọi là vô sinh nếu như họ không thể thụ thai được sau khi đã cố gắng trong 12 tháng hoặc hơn. Khoảng 20% các cặp vợ chồng ở Mỹ bị vô sinh.

    Vô sinh có thể là do người chồng, người vợ, hoặc là do cả hai. Vô sinh nam có thể là do có quá ít tinh trùng mạnh ở tinh hoàn do tình trạng nóng nực ở vùng bìu dái hay bệnh lây nhiễm sau dậy thì, khả năng di chuyển của tinh trùng kém do sự bất thường của tinh dịch, không thể xuất tinh vào trong âm đạo do rối loạn tình dục hoặc tắc ống dẫn tinh, và/hoặc sức khỏe hay chế độ ăn uống kém. Vô sinh nữ có thể là do sự rụng trứng không đều, cơ quan sinh sản bị hỏng, cơ quan sinh sản được hình thành không đúng cách, tắc ống dẫn trứng (vòi fallope), nước nhầy ở cổ tử cung có nồng độ pH không thích hợp khiến cho tinh trùng không thể đến được tử cung, sự phát triển của mô tử cung ở khoang chậu, quá béo hoặc quá gầy, và/hoặc sức khỏe hay chế độ ăn uống kém. Vô sinh cũng có thể do cả hai người, chẳng hạn như do khả năng di chuyển của tinh trùng kém cộng với sự rụng trứng không đều ở người phụ nữ.

    Nhiều trường hợp vô sinh có thể chữa trị được. Thuốc chữa vô sinh (Fertility drugs) có tác dụng nếu như nguyên nhân gây vô sinh là do người phụ nữ không có khả năng rụng trứng. Thụ tinh nhân tạo (Artificial insemination) là việc chữa vô sinh bằng cách lấy và đưa tinh trùng vào trong âm đạo sử dụng một loại ống. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả nếu như số lượng tinh trùng của nam giới ít hơn mức bình thường. Thụ tinh trong ống nghiệm (In vitro fertilization hay “test-tube baby”) là việc thụ tinh trứng của người phụ nữ bên ngoài cơ thể và sau đó cấy vào trong tử cung. Phương pháp này hữu ích nếu như người phụ nữ bị tắc ống dẫn trứng. Chuyển giao tử vào trong vòi fallope(Gamete intrafallopian transfer) (GIFT) là việc lấy trứng từ buồng trứng của người phụ nữ, kết hợp trứng với tinh trùng của nam giới rồi sau đó đưa vào trong vòi fallope. Mục đích của việc làm này là để sự thụ tinh được thực hiện trong cơ thể của người phụ nữ chứ không phải ở ngoài.

    Một số người hay một số cặp vợ chồng quyết định rằng cách tốt nhất để giải quyết vấn đề vô sinh là nhận con nuôi. Những người khác lựa chọn việc sử dụng dịch vụ người mẹ thay thế, những người này ký hợp đồng với hai vợ chồng, nhận mang thai và sinh đẻ, và sau đó đứa con sẽ được hai vợ chồng nhận nuôi, dịch vụ này thường mất phí ít nhất là 10.000 đô la cộng với các chi phí y tế khác. Ở dịch vụ này, bác sĩ thực hiện thụ tinh nhân tạo cho người mẹ thay thế với tinh trùng của người nam giới hoặc cấy trứng đã được thụ tinh trong ống nghiệm vào trong tử cung của cô ta. Cách nào đi nữa thì việc sử dụng người mẹ thay thế thực sự là vấn đề gây tranh cãi, nó tạo nên các vấn đề về mặt đạo lý, luật pháp, và đạo đức.

    Tương tự với người mẹ thay thế là người mang cấy. Sự lựa chọn này liên quan đến việc cấy trứng đã được thụ tinh vào trong tử cung của một người họ hàng. Vì là người họ hàng mang thai cho đến tháng, nên hai vợ chồng có thể tránh được những chi phí và rắc rối liên quan đến việc thuê người mẹ thay thế. Ngày nay, các bác sĩ đã thành công trong việc cấy phôi vào phụ nữ ở độ tuổi 50 tiếp sau sử dụng liệu pháp hooc môn để đảo ngược các tác động của sự mãn kinh.

    Suy Nghĩ Cá Nhân:

    Mong muốn có con nhưng lại không có khả năng làm được điều đó là một trải nghiệm gây đau đớn. Bạn sẽ phản ứng như thế nào nếu bản thân hay người bạn đời của bạn bị vô sinh. Bạn sẽ sẵn sàng thử điều trị bằng phương pháp nào? Những phương pháp nào bạn sẽ không thử? Tại sao? Nếu bạn hay người bạn đời của bạn không thể thụ thai, bạn có xem xét đến việc nhận con nuôi hay không? Tại sao có? Tại sao không? Bạn có xem xét đến khả năng thuê người mẹ thay thế hay không? Nếu bạn có con nhờ biện pháp “nhân tạo”, liệu sau này bạn có nói cho con bạn biết điều đó không? Tại sao có? Tại sao không?

    NHỮNG ĐIỂM CHÍNH

    1. Để có một đứa trẻ khỏe mạnh cần phải lên kế hoạch cẩn thận cho cơ thể người phụ nữ, sẵn sàng chuẩn bị một môi trường thích hợp cho sự phát triển trước khi sinh, hay còn gọi là sự phát triển của phôi và bào thai trước khi sinh. Mặc dù không phải lúc nào cũng thiết thực, nhưng thời gian tốt nhất để lên kế hoạch bắt đầu mang thai ít nhất phải là vài tháng, nếu không muốn nói là hàng năm, trước khi thụ thai.

    2. Để nâng cao cơ hội thụ thai, việc giao hợp nên diễn ra gần thời điểm rụng trứng, khi một trong hai buồng trứng của người phụ nữ giải phóng trứng. Trứng này thường có khả năng thụ tinh chỉ trong vòng tư 12 đến 24 tiếng sau khi được giải phóng khỏi buồng trứng. Một số phụ nữ xác định được thời gian rụng trứng bằng cách theo dõi biểu đồ nhiệt độ cơ thể cơ bản.

    3. Kỳ thai nghén đủ tháng trung bình là 266 ngày kể từ ngày thụ thai, hay 280 ngày kể từ kỳ kinh cuối cùng cho đến khi sinh. 280 ngày này được chia thành 10 tháng âm lịch gồm bốn tuần một tháng, một tháng có 28 ngày, tương đương với hơn 9 tháng dương lịch. 9 tháng này cũng được chia thành 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn gồm 3 tháng, được gọi là qúy.

    4. Trong quá trình thụ thai tinh trùng của nam nam giới kết hợp với trứng của người phụ nữ tạo thành hợp tử, hay bào thai. Chỉ duy nhất một tinh trùng thụ tinh cho một trứng. Hợp tử đơn bào sau đó bắt đầu phân chia trên phương diện hình học khi nó di chuyển dọc vòi fallope. Ngay sau khi làm tổ và đến 8 tuần tiếp theo, hợp tử được gọi là phôi. Sau giai đoạn này và cho đến khi sinh, nó được gọi là bào thai. Sau khi làm tổ ở nội mạc tử cung của tử cung, phôi tiếp tục quá trình phân bào.

    5. Máu tuần hoàn đi vào và ra khỏi thai nhi và nhau thai thông qua dây rốn. Mặc dù hệ thống tuần hoàn của mẹ và của thai nhi hoàn toàn độc lập, nhưng các chất khác nhau có khả năng giao qua màng củalông nhung màng đệm. Nhau thai tiết ra Es-tro-gen, pro-ges-te-rone, và placental lactogen. Nó cũng tiết ra hooc môn kích thích tố màng đệm (human chorionic gonadotropin) (HCG). Phát hiện xem có HCG trong máu và nước tiểu của người phụ nữ hay không là cơ sở cho hầu hết các phương pháp thử thai thông thường.

    6. Màng đệm và màng ối là hai loại màng bao quanh phôi đang phát triển, màng đệm là màng ở phía ngoài cùng. Thai lơ lửng ở trong dịch đầu ối. Chất lỏng giống nước này chứa đầy ở màng đệm ối.

    7. Ở giai đoạn cuối của thai kỳ, bào thai thường chuyển sang tư thế đầu ở dưới, hay ngôi thai, trong tử cung khi nó chuẩn bị chuyển đến ống sinh. Tuy nhiên, thai nhi có thể ở tư thế ngôi mông, nghĩa là tư thế hông hay chân ở trước.

    8. Nhiều cặp vợ chồng và nhiều phụ nữ chọn cách chuẩn bị cho việc sinh nở thông qua các lớp đào tạo. Các khóa học “chuẩn bị sinh nở” phổ biến nhất đối với hai vợ chồng là học các phương pháp củaBradley, Leboyer, và Lamaze.

    9. Sự sinh đẻ (Childbirth, hay parturition), bắt đầu bằng cơn đau đẻ và kết thúc bằng việc đẻ (delivery). Khi thai nhi lấp ló ở cổ âm đạo (Crowning) thì người tham gia đỡ đẻ có thể thực hiện thủ thuật cắt tầng sinh môn (episiotomy), một thủ tục liên quan đến việc rạch một đường ở đáy chậu để tạo chỗ cho đứa trẻ đi qua. Nếu cơn đau đẻ kéo dài và gây ra sự quá đau đớn cho người mẹ, thai ngôi mông, và người mẹ bị bệnh thì các bác sĩ thực hiện thủ thuật mở tử cung (caesarean section). Sau khi sinh, nhau thai tách khỏi thành tử cung và bị đẩy ra ngoài qua âm đạo.

    10. Đối với nhiều phụ nữ nuôi con bằng sữa là một hoạt động quan trọng và đáng khao khát sau khi sinh. Nuôi con bằng sữa là không đắt tiền và luôn sẵn có, sữa mẹ cung cấp nguồn dinh dưỡng cân bằng nhất cho trẻ. Sữa non (colostrum), là loại sữa rất giàu kháng thể chống lại sự nhiễm trùng.

    11. Một số vấn đề và bệnh nghiêm trọng có thể nảy sinh trong khi mang thai và sinh nở. Những biến chứng phổ biến là mang thai lạc vị (chửa ngoài tử cung) (ectopic pregnancy), nhiễm trùng do vi rút herpes (cytomegaloviral infection), Sự không tương hợp yếu tố Rh (Rh factor incompatibility), đái tháo đường (diabetes mellitus), bệnh rubela (bệnh sởi Đức), bệnh toxoplasma (toxoplasmosis), tiền sản giật và sản kinh ( preeclampsia and eclampsia), xảy thai (miscarriage), sinh thai chết (thai chết lưu) (stillbirth), và đẻ non (prematurity). Các vấn đề khác bao gồm buồn nôn vào buổi sáng (morning sickness), bệnh trĩ (hemorrhoids), và chứng sạm da (chloasma).

    12. Siêu âm (ultrasonography), chọc ối (amniocentesis), và lấy mẫu lông nhung màng đệm (chorionic villi sampling) là ba phương pháp thường được sử dụng để phát hiện xem bào thai có khả năng bị các dị tật hay khiếm khuyết nào không.

    13. Hai vợ chồng thường được gọi là vô sinh nếu như họ không thể thụ thai được sau khi đã cố gắng trong 12 tháng hoặc hơn. Vô sinh có thể là do người chồng, người vợ, hoặc là do cả hai. Điều trị vô sinh bao gồm sử dụng thuốc chữa vô sinh, thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm, chuyển giao tử vào trong vòi fallope, sử dụng dịch vụ người mẹ thay thế và người mang cấy.

    Mục lục

    Lời nói đầu ……………………………………………………………………………….

    Chương 1. Hoạt động tình dục Và Quan điểm Tâm sinh lý xã hội ………..

    Chương 2. Nghiên cứu về Tình dục là gì?………………………………………..

    Chương 3. Các khuôn mẫu, Vai trò và Nhận dạng về Giới …………………

    Chương 4. Giải phẫu Tình dục và Sinh lý của Phụ nữ. ……………………….

    Chương 5. Giải phẫu Tình dục và Sinh lý của Nam giới ……………………..

    Chương 6. Hưng phấn tình dục và Phản ứng lại………………………………..

    Chương 7. Thiên hướng Tình dục…………………………………………………..

    Chương 8. Các mối quan hệ Yêu đương…………………………………………

    Chương 9. Hành vi Tình dục………. ……………………………………………….

    Chương 10. Hoạt động tình dục, Sức khỏe và Sự tàn tật……………………

    Chương 11. Hoạt động tình dục Và Vòng đời…………………………………..

    Chương 12. Thụ thai, Mang thai và Sinh nở………………………………………

    Chương 13. Tránh thai và Nạo phá thai……………………………………………

    Chương 14. Các bệnh lây truyền qua đường Tình dục…………………………

    Chương 15. Rối loạn Tình dục và Cách chữa trị…………………………………

    Chương 16. Tình dục đồi trụy.. ………………………………………………………

    Chương 17. Chợ tình ……………………………………………………………………

    Chương 18. Hoạt động tình dục và Luật pháp……………………………………

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *

    giai-doc-gan-an-binh

    Khách hàng nhận xét

    Khi sử dụng V-Sorento – Hỗ trợ chữa trị viêm đại tràng, các triệu trứng viêm đại tràng của tôi đã được cải thiện rõ rêt.
    Nguyễn Cường, 60 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội
    Khi dùng Grathozi – Trị nấm âm đạo, bệnh của tôi đã thuyên giảm và khỏi hẳn sau 7 ngày.
    Thu Hương
    Tôi rất yên tâm khi sử dụng sản phẩm của Dược An Bình. Từ khi sử dụng PHARZUBEST – Bổ sung vitamin và khoáng chất, sức khoẻ của tôi được cải thiện nhiều.
    Quang Trần